Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 23/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Trong đó, có đề xuất thí điểm bỏ HĐND cấp quận và cấp phường.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ và bảo đảm hoạt động giám sát trong điều kiện chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở TP và không tổ chức HĐND ở quận, ở phường sẽ triển khai như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, theo đề xuất thí điểm thì UBND quận, phường sẽ làm việc theo chế độ thủ trưởng. Như vậy, vấn đề kiểm soát quyền lực rất cần đặt ra. Theo dự thảo Nghị quyết thì HĐND TP được giao thêm nhiệm vụ là giám sát hoạt động của UBND và Chủ tịch UBND quận, phường và TAND, VKSND quận. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng.
Tuy nhiên, trong bảng tổng hợp giải trình ý kiến thẩm tra thì Ban soạn thảo đã đưa ra giải pháp là đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó khẳng định rằng không đề xuất quy định tại dự thảo Nghị quyết nội dung về cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân thành phố.
Theo Đại biểu Hoa, như vậy là không thuyết phục. Bởi về lý thuyết, việc kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay đang được thực hiện thông qua hai cơ chế. Thứ nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước, bao gồm giám sát của Quốc hội và HĐND. Thứ hai là cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài bộ máy nhà nước, bao gồm giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Hậu quả pháp lý của cơ chế kiểm soát bên trong thì thường mang tính cưỡng chế nhưng kết quả của cơ chế kiểm soát từ bên ngoài vào thì chủ yếu được thực hiện dưới dạng kiến nghị. Như vậy sức mạnh của nó không thể đủ để có thể thay thế cho việc kiểm soát bên trong.
“Qua nghiên cứu, tôi thấy đề án cũng như dự thảo nghị quyết đã không thể hiện được cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở địa bàn thực hiện thí điểm có gì thay đổi so với các địa bàn khác hay không?”, Đại biểu Hoa chỉ rõ
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, có những quy định rõ hơn về cơ cấu tổ chức HĐND TP về số lượng và chất lượng đại biểu, đặc biệt là đại biểu chuyên trách đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được nêu trong dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở địa bàn thực hiện thí điểm để có thể đáp ứng nhiệm vụ theo đúng mục tiêu đặt ra là xây dựng mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cũng như là phục vụ tốt hơn cho người dân.
Đồng tình, Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cũng chia sẻ, ngoài giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND TP thì UBND quận, phường còn chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo quận ủy, cấp ủy, thành ủy nhưng phải tạo điều kiện để người dân giám sát.
Theo Đại biểu Tám, ông thấy trong Tờ trình có nói tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, nhưng không rõ tăng cường như thế nào?
“Đà Nẵng nên đặt ra những phương pháp, giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Chúng ta cứ nói chung là nâng cao, mà không cụ thể là nâng cao như thế nào. Sau khi Nghị quyết được thông qua thì Đà Nẵng phải xây dựng phương pháp, những giải pháp, cách thức thích hợp nhất để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thực hiện tốt nhất việc giám sát”, Đại biểu Tám đề nghị.