Theo kết quả công bố, bên cạnh các hạn chế sai sót trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và các chương trình mục tiêu quốc gia còn bộc lộ nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân, DN….
Kiểm toán 27 dự án BOT, giảm thời gian thu phí hơn 100 năm
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng 12 ngày (dự án mở rộng QL 1 đoạn Km 1488-Km1525, tỉnh Khánh Hòa)
Kết quả KTNN cũng cho thấy vốn ODA còn lãng phí, thiếu hiệu quả, thực hiện chương trình Nông thôn mới không đạt được mục tiêu đề ra, không phân bổ hết vốn TPCP đã huy động trong năm (dư 4.830 tỷ đồng), chưa bố trí kịp thời 5.583 tỷ đồng vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2012- 2015 (trong đó 792,147 tỷ đồng của chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên chưa được giao kế hoạch)
Ngoài ra kiểm toán 19 cuộc kiểm toán hoạt động cho thấy một số hoạt động thuộc chủ đề được kiểm toán không đạt được mục tiêu đề ra, công tác quản lý, điều hành một số dự án, chương trình thiếu chặt chẽ, không tuân thủ các quy định của Nhà nước làm giảm hiệu quả hoạt động; một số trang thiết bị được đầu tư nhưng chưa đưa vào khai thác và sử dụng gây lãng phí cho ngân sách.
Đặc biệt, qua kiểm toán hợp phần xe buýt nhanh khối lượng lớn thuộc Dự án phát triển hợp phần giao thông đô thị Hà Nội (Hợp phần BRT) cho thấy việc thực hiện còn thiếu đồng bộ, không nhất quán, chậm tiến độ và phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến khi đưa hệ thống BRT vào vận hành cuối năm 2016 sẽ không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của BRT và khó đạt được mục tiêu đề ra là góp phần giảm ùn tắc giao thông, thậm chí có nguy cơ sẽ gia tăng tình trạng ùn tắc.
Mới kiểm toán mang tính chất cảnh báo
Liên quan đến chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT), KTNN cho biết Bộ Y tế cũng như hầu hết các địa phương được kiểm toán chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và kế hoạch dài hạn về đầu tư mua sắm trang thiết bị hàng năm. Qua kiểm toán đã phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng, KTNN đã kiến nghị thu hồi về NSNN. Về quản lý sử dụng TTBYT là tài sản cố định, qua kiểm toán tại Bộ Y tế cho thấy một số đơn vị sử dụng TTBYT kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, một số đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được. Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, TP cho thấy 1.255 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng…
Trước thông tin cho rằng Bộ Y tế không đồng tình với kết luận của KTNN, đại diện KTNN khẳng định cho đến thời điểm hiện tại, KTNN chưa nhận được bất cứ văn bản nào phản hồi không công nhận kết quả kiểm toán. “Tất cả kết luận trong báo cáo kiểm toán đều có bằng chứng cụ thể.’. Ông Nguyễn Văn Tân,, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành III khẳng định. Ông Tân cũng cho biết thêm, mặc dù con số tuyện đối là lớn nhưng tỷ lệ không lớn, ví dụ kiểm toán 15 bệnh viện, số bệnh nhân cũng chỉ chiểm 3%, số tiền lãng phí 165 tỷ đồng cũng chỉ chiếm chưa đến 1%. So vốn đầu tư..“Thực ra KTNN cũng mới kiểm toán một phần rất nhỏ, nếu kiểm toán rộng hơn sẽ phát hiện rất nhiều vấn đề. Chúng tôi mới làm bước 1 và mang tính cảnh báo đối với ngành Y tế…”- Ông Cao Tấn Khổng, Phó Tổng KTNN chia sẻ.
Kết quả kiểm toán năm 2016, ngoài các kiến nghị xử lý tài chính, KTNN đã chỉ rõ nhiều tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý của nhà nước và đã kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 150 văn bản (04 nghị định, 20 thông tư, 09 nghị quyết, 28 quyết định, 89 văn bản khác) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và chuyển 02 hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2015, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến 31/12/2016 là 15.794 tỷ đồng, đạt 75,6% tổng số kiến nghị (năm 2014 đạt 64,3%), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 10.195 tỷ đồng, đạt 82,3% (năm 2014 đạt 75%). Kết quả thực hiện kiến nghị đã có chuyển biến tích cực do năm 2016 KTNN đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Về kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, có 29 văn bản đã và đang được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.