Kiểm toán Nhà nước: Hàng loạt dự án điện mặt trời khi phê duyệt bị chồng lấn quy hoạch

(PLVN) -  Nội dung này được Kiểm toán Nhà nước nêu ra tại kết quả kiểm toán Chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo thực hiện trên địa bàn 4 tỉnh: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên.
Ảnh minh họa.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tiến hành kiểm toán Chuyên đề đánh giá hiệu quả chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng. Quyết định này phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn 4 tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Phú Yên từ 8/8/2022 - 21/9/2022.

Kết quả kiểm toán mới công bố cho thấy hàng loạt vấn đề tồn tại liên quan đến công tác quản lý Nhà nước, nhất là quản lý quy hoạch về năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương.

Theo KTNN, ngày 7/12/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 4559/QĐ-BCT phê duyệt quy mô công suất của dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19 của Cty CP Tasco Năng lượng vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2015 là 49MW (thay vì 49MWp), làm tăng quy mô công suất của dự án lên 25% so với đề xuất trước đó.

Bộ này khi phê duyệt bổ sung quy hoạch và xác định diện tích đất thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh của Cty CP Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận có diện tích đất là 68,5ha, công suất 45MWp, vượt 14,5ha theo quy định.

Bộ này còn phê duyệt vị trí quy hoạch thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Long Sơn và dự án nhà máy điện mặt trời Trung Sơn có một phần diện tích trùng với quy hoạch 3 loại rừng được duyệt. Cụ thể: Dự án điện mặt trời Long Sơn có khoảng 54,51ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất; Dự án điện mặt trời Trung Sơn có khoảng 8,64ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất.

Cũng theo KTNN, Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án nhà máy điện gió và điện mặt trời xanh Sông Cầu vào quy hoạch điện VII điều chỉnh khi một phần ranh giới quy hoạch dự án trùng với dự án trồng rừng phòng hộ ven biển tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015 - 2020 thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP- RCC. Trong phạm vi dự án còn có diện tích nằm trong ranh giới bảo vệ bờ biển.

Bên cạnh đó, có 4 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch có ranh giới trùng với một số quy hoạch khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Cụ thể: Dự án nhà máy điện mặt trời Phước Hữu – Điện lực 1 của Cty CP Đầu tư điện Phước Hữu có ranh giới theo quy hoạch được duyệt trùng với ranh giới mô vật liệu san lấp có số hiệu 79A tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, phê duyệt tại Quyết định 13/2022/QĐ-UBND ngày 8/4/2022 của UBND tỉnh Ninh Thuận.

Dự án nhà máy điện mặt trời Adani Phước Minh của Cty TNHH Năng lượng xanh Adani và Cty CP TSV có một phần ranh giới của dự án trùng với ranh giới dự án điện mặt trời BIM2. Tại thời điểm Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch điện lực, UBND tỉnh Ninh Thuận quyết định chủ trương đầu tư, khu vực thực hiện dự án có phần lớn diện tích thuộc quy hoạch dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ theo Quyết định 2037/QĐ-BNN- CB ngày 6/9/2013 của Bộ NN&PTNT.

Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam Đức Long (của Cty CP điện mặt trời DLG Ninh Thuận), khu vực thực hiện dự án có một phần diện tích khoảng 16,5ha nằm trong khu quy hoạch vùng tưới của hồ Đá Đen. Dự án nhà máy điện mặt trời SP Infra 1 (của Cty TNHH Tài chính hạ tầng Shupoorji Pallonji), ranh giới dự án được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch, UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư có một phần quy hoạch phát triển tuyến đường cao tốc Bắc - Nam.

Đọc thêm