Kiểm tra nhiều Tổng Công ty, nhà máy
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định về việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực làm Trưởng đoàn. Hoạt động kiểm tra này nằm trong kế hoạch hằng năm được Bộ Công Thương ban hành. Kết quả chi phí giá thành sản xuất điện sẽ được công bố vào mỗi dịp cuối năm.
Ngoài lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương còn gồm đại diện các bộ, ngành như Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng... Nội dung kiểm tra bao gồm chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 của EVN trên cơ sở số liệu quyết toán, kiểm toán và kết quả thực hiện các chỉ tiêu của EVN.
Được biết, đoàn kiểm tra cũng sẽ đánh giá số liệu do EVN cung cấp như báo cáo tài chính, báo cáo chi phí giá thành sản xuất điện năm 2018 đã được kiểm toán độc lập; kiểm tra thực tế tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), các Tổng Công ty điện lực ở ba miền và Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Theo nguồn tin của PLVN, lịch trình từ ngày 3/9 - 1/10, đoàn sẽ làm việc với EVN và các đơn vị trực thuộc, dự kiến 31/10, đoàn sẽ có báo cáo gửi Bộ Công Thương và Bộ này sẽ công bố giá thành sản xuất điện năm 2018 ngay sau khi thẩm định báo cáo.
Cuộc kiểm tra giá thành sản xuất điện gần đây nhất được công bố đầu tháng 11/2018. Theo kết quả này, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là hơn 291 nghìn tỷ đồng, trong đó tổng chi phí khâu phát điện là gần 221 nghìn tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.264,89 đ/kWh; Tổng chi phí khâu truyền tải điện là gần 18 nghìn tỉ đồng, tương ứng với giá khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 103,05 đ/kWh.
Tổng chi phí khâu phân phối, bán lẻ điện là hơn 51 nghìn tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 293,44 đ/kWh; Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là hơn 1.115 nghìn tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,39 đồng/kWh.
Tổng chi phí này cho thấy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 ở mức 1.667,77 đ/kWh - tăng 0,15% so với năm 2016. Trong khi đó, doanh thu bán điện năm 2017 đạt gần 290 nghìn tỉ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân 1.660,19 đ/kWh. Tổng lợi nhuận từ kinh doanh sản xuất điện của EVN đạt hơn 2.700 tỉ đồng.
Vẫn chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ
Trước đó, tháng 3/2019, Chính phủ đã đồng ý tăng giá điện bình quân lên 8,36%, tương ứng giá điện bình quân ở mức 1.864 đồng/kWh. EVN đã giải trình cho thấy, số tiền thu được từ tăng giá (khoảng hơn 20 nghỉn tỷ đồng) sẽ lại được chi cho các khoản EVN vẫn nợ đối tác như mức chênh lệch tỉ giá ngoài EVN, chi trả tiền than, dầu cho các đối tác.
Tuy nhiên, sau khi có quyết định tăng giá điện, dư luận đã phản ứng rất mạnh mẽ, cho rằng, giá điện không tăng 8,36% như Bộ Công Thương công bố. Trước phản ứng của dư luận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc kiểm tra việc tăng giá điện. Theo công bố của Thanh tra Chính phủ, thanh tra việc tăng giá điện sẽ mất 35 ngày. Tuy nhiên, đến tháng 8/2019 Thanh tra Chính phủ thông tin việc thanh tra giá điện sẽ phải kéo dài hơn dự định và vẫn chưa biết tới khi nào mới được công bố.
Được biết, kết quả kiểm tra giá thành sản xuất điện hàng năm chính là căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Liệu có xảy ra chuyện, trong khi chưa biết kết quả thanh tra của việc tăng giá điện vào tháng 3/2019 (do Thanh tra Chính phủ chủ trì), sắp tới người dân lại đối mặt với một lần điều chỉnh giá nữa, sau khi có kết quả kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2018 của Bộ Công Thương?