Kiểm tra phòng chống dịch, tiêm vaccine Covid-19 tại các địa phương

(PLVN) - Từ ngày 24-28/3, Bộ Y tế sẽ tổ chức Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch và triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gần 34 nghìn người được tiêm vaccine ngừa Covid-19

Thông tin của Bộ Y tế chiều 22/3 cho biết, tính đến cuối ngày 21/3/2021, chúng ta đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 33.891 người tại 16 tỉnh/thành phố, trong đó riêng tỉnh Hải Dương đã chiếm khoảng 50% tổng số người được tiêm với 16.635 người.

Dự kiến, đến cuối tháng 3/2021, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn cho các tỉnh, thành phố còn lại để sẵn sàng cho triển khai khi đợt vaccine Covid-19 tiếp theo về đến nước ta.

Từ ngày 24-28/3, Bộ Y tế tổ chức Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch và triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh. Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống Covid-19, đặc biệt là các điều kiện trước khi nhập cảnh (Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai báo y tế...), việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng. Đảm bảo việc xét nghiệm đúng số lượng, thời gian, đối tượng.

Đồng thời, Bộ Y tế liên tục thông báo cho người dân những địa điểm nguy cơ để người dân biết, khai báo với cơ quan y tế để được sàng lọc, xét nghiệm kịp thời; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thường xuyên truyền thông khuyến khích nhân dân giám sát, phát hiện người từ những địa điểm nguy cơ về nơi cư trú trên địa bàn mà không khai báo y tế hoặc khai báo không đúng sự thật...

Tiếp tục thử nghiệm vaccine của Việt Nam 

Hôm nay (23/3) và ngày 25/3 tới đây, dự kiến sẽ có 30 tình nguyện viên tiếp theo của giai đoạn 1 được tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, sản xuất. Mỗi buổi tiêm tại Đại học Y Hà Nội có 15 người, bởi điều kiện điểm lưu trú qua đêm để theo dõi sau tiêm chỉ cho phép số lượng tối đa là 15 người.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Vũ Đình Thiểm - Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - cho biết, trong tuần này sẽ có thêm 30 người tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 “made in Vietnam” có tên COVIVAC. 

Theo thiết kế nghiên cứu, 120 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau gồm 3 nhóm vaccine không có tá chất với các mức liều: 1mcg - 3mcg - 10mcg; 1 nhóm vaccine mức liều 1mcg có bổ sung tá chất và 1 nhóm gồm 20 người tiêm giả dược (nước muối vô trùng dùng để tiêm).

Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày. Mục đích tiêm giả dược là để so sánh với những nhóm tiêm vaccine.

Trước đó, sáng 15/3, có 6 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm mũi đầu tiên của vaccine COVIVAC. Sau 24h theo dõi sức khỏe tại cơ sở tiêm, sức khỏe của 6 người này ổn định. Một số trường hợp chỉ có phản ứng nhẹ trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng sau tiêm như đau đầu, đau cơ vùng tiêm. Hôm qua - 22/3, nhóm này đã được khám sức khoẻ lần 1 sau tiêm.

Họ được xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm đánh giá chức năng thận, chức năng gan cùng các đánh giá khác. Nhìn chung sức khoẻ của họ đều ổn định sau tiêm 1 tuần, 6 tình nguyện viên này vẫn sinh hoạt, đi làm bình thường.

Ba tuần nữa, nhóm tình nguyện đầu tiên sẽ trở lại Đại học Y Hà Nội để tiêm tiếp mũi 2. Trong 21 ngày tới, các nghiên cứu viên của Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng sẽ thường xuyên gọi điện cho các tình nguyện viên để hỏi về sức khỏe của họ, đồng thời nhắc nhở họ theo dõi sức khỏe và điền vào phiếu theo dõi sức khỏe đầy đủ, chính xác.

Dự kiến hoàn thành báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 vào tháng 7/2021. Sau khi có báo cáo kết quả giữa kỳ và cuối kỳ của giai đoạn 1, nếu vaccine cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh, trên cơ sở được Bộ Y tế phê duyệt, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng của vaccine COVIVAC tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm. Các đánh giá tiền lâm sàng cho thấy, vaccine đáp ứng miễn dịch tốt, an toàn, có hiệu quả ngăn ngừa biến thể của Anh và Nam Phi.