Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá ra đời là một quyết định quan trọng, mang tính lịch sử trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thế giới đánh giá rất cao về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam, Luật ra đời phù hợp với Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá.
“Đây là một thành công của ngành y tế sau nhiều năm xây dựng và vận động toàn xã hội, các ban, ngành, Quốc hội, Chính phủ ủng hộ cho Dự luật quan trọng nhằm góp phần giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của cộng đồng” – bà Huyền nhận định.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, từ năm 2019-2023, các bộ phận chức năng thuộc Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Y tế (Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá) đẩy mạnh ra quân kiểm tra xử phạt các vi phạm hành chính về phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước và đã ghi nhận được những kết quả nhất định.
Cụ thể, năm 2019 là năm đánh dấu hoạt động kiểm tra, giám sát có những thành quả nổi bật và tạo nên sự lan tỏa nhất định trong bộ phận các nhà hàng, khách sạn tại địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đông Hà (Quảng Trị) với tổng số 522 nhà hàng, khách sạn. Xử lý 48 vụ; phạt tiền 338,5 triệu đồng. Ngoài ra, bắt và xử lý 67 vụ buôn lậu, tàng trữ thuốc lá, số thuốc lá tịch thu: 56.400 bao thuốc lá lậu các loại, phạt tiền 6,9 tỷ đồng.
Cho đến năm 2023, Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Công an đã phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Công an các địa phương kiểm tra xử phạt tại tỉnh An Giang và TP. Hồ Chí Minh. Đoàn kiểm tra giám sát tổng số 117 các cơ sở kinh doanh trên địa bàn (nhà hàng, khách sạn, quán karaoke…) với số tiền xử phạt 64 triệu đồng, lập biên bản cảnh cáo và nhắc nhở 85 cơ sở và yêu cầu các đơn vị cam kết thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá sau 7 ngày ký cam kết (treo/dán biển báo cấm hút thuốc lá, đưa nội quy cấm hút thuốc lá trong khách sạn và niêm yết rõ ràng, loại bỏ gạt tàn, nhắc nhở hoặc có chính sách phạt khách khi không chấp hành yêu cầu không hút thuốc lá tại nhà hàng/khách sạn…).
“Trong quá trình kiểm tra xử phạt tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố, khách sạn, nhà hàng là địa điểm có tỷ lệ vi phạm cao và tỷ lệ hút thuốc lá thụ động cao nhất so với các địa điểm quy định trong Luật phòng chống tác hại thuốc lá”, bà Huyền thông tin.
Các vi phạm phổ biến tại nhà hàng như: Hút thuốc tại các khu trong nhà của nhà hàng, không treo biển có chữ/biểu tượng cấm hút thuốc lá. Tại các khách sạn các vi phạm chủ yếu là: Hút thuốc tại các khu trong nhà của khách sạn, không treo biển có chữ/biểu tượng cấm hút thuốc lá, nơi dành riêng không đáp ứng quy định của Luật.
Nguyên nhân việc hút thuốc tại nhà hàng, khách sạn xảy ra nhiều, theo bà Huyền là do tâm lý chiều khách, sợ mất khách của nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, do hiểu biết về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động còn hạn chế. Chủ nhà hàng, khách sạn chưa hiểu rõ quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá và các quy định xử phạt vi phạm hành chính cũng như chưa hiểu rõ các lợi ích của việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các khách sạn nhà hàng.
Cần kinh phí trong hoạt động kiểm tra, giám sát
Về công tác xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá, bà Huyền chia sẻ, từ năm 2019- 2023, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Công an đã Tổ chức 25 lớp tập huấn Hướng dẫn thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá, thực hiện nơi làm việc không thuốc lá cho cán bộ chiến sỹ công an tại 25 tỉnh/thành phố như: Hòa Bình, Bạc Liêu, Quảng Bình, Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bắc Cạn…, với 12.500 cán bộ, chiến sỹ Công an các đơn vị, địa phương tham gia.
|
Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Công an) kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và môi trường không khói thuốc lá tại một số nhà hàng,khách sạn địa bàn TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. |
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Công an liên tục triển khai 30 đợt kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Công an các tỉnh/thành phố trên địa bàn cả nước. Từ đó hỗ trợ, nhắc nhở các Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Công an các tỉnh/thành phố, các đơn vị thuộc Công an các tỉnh/thành phố triển khai các hoạt động kiểm tra, xử phạt các vi phạm hành chính về phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn các tỉnh/thành phố mà họ quản lý; chia sẻ các kinh nghiệm kiểm tra xử phạt đã triển khai tại các địa phương khác; hướng dẫn đẩy mạnh xây dựng các nội quy, quy chế, quy định trong cơ quan/đơn vị nhằm xây dựng thành công môi trường cơ quan/đơn vị/doanh trại không khói thuốc lá.
Theo Bộ Công an, mọi hoạt động trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá có thành công hay không cần có sự ủng hộ rất lớn từ phía ban lãnh đạo các cơ quan/đơn vị. Bởi vậy, người làm công tác phòng chống tác hại thuốc lá cần nhận được sự ủng hộ từ phía thủ trưởng các cơ quan/đơn vị.
“Hoạt động kiểm tra, xử phạt tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Công an các tỉnh/thành phố chỉ thành công khi có sự tham gia quyết liệt của các đồng chí Cảnh sát phụ trách mảng quản lý hành chính về trật tự xã hội các cấp (cấp Bộ, cấp tỉnh/thành phố, quận/huyện, xã/phường)”, bà Huyền nói.
Bà Huyền đề xuất, cần có kinh phí hỗ trợ công tác phí và kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động triển khai kiểm tra, xử phạt (nhất là đối với các tỉnh/thành phố chưa triển khai kiểm tra, xử phạt các vi phạm hành chính về phòng chống tác hại thuốc lá lần nào) để hỗ trợ cán bộ Ban chỉ đạo công tác phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Công an và Ban chỉ đạo công tác phòng chống tác hại thuốc lá các tỉnh hướng dẫn các bộ phận chức năng trong vận dụng và thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá cũng như Nghị định 117/2020/NĐ-CP.