Kiên Giang: Kết luận vụ học sinh ngộ độc thực phẩm từ món thịt khìa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chiều ngày 27/11, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang thông báo dự thảo về kết quả vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TP. Rạch Giá vào giữa tháng 11/23.
Kiên Giang: Kết luận vụ học sinh ngộ độc thực phẩm từ món thịt khìa

Ông Đặng Văn Bình - Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, kết quả kiểm nghiệm các mẫu thức ăn của các trường xảy ra vụ học sinh nhập viện sau bữa ăn tại trường ngày 15/11 là ngộ độc từ món thịt heo khìa do cơ sở cung cấp suất ăn Cát Tường, phường Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá cung cấp.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm, thịt lợn khìa có chỉ số nhiễm Ecoli, Coliforms, Bacilluscereus, Staphylococcus vượt ngưỡng giới hạn cho phép, dẫn đến mất an toàn thực phẩm gây nên ngộ độc tập thể.

Cụ thể, sau bữa trưa và bữa xế chiều ngày 15/11, đến khoảng 14h cùng ngày xảy ra vụ ngộ độc ở 3 điểm trường gồm: Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (tổng số học sinh ăn bán trú là 103, số bị ngộ độc là 56 em); Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi (có tổng số học sinh ăn bán trú 49 em, tổng số học sinh bị ngộ độc là 31 em); Trường tiểu học Lê Văn Tám (có 6 học sinh ngộ độc trên tổng 227 học sinh ăn bán trú).

Ông Đặng Văn Bình - Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phát biểu.

Ông Đặng Văn Bình - Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phát biểu.

Bữa ăn hôm xảy ra vụ ngộ độc với thực đơn 4 món gồm: cơm trắng, canh chua (bắp cải, đậu bắp, khóm, cá chả), thịt lợn khìa, mít (tráng miệng). Ăn xong, các học sinh nghỉ ngơi và ngủ trưa tại trường. Sau khi thức dậy, khoảng 13h, các học sinh bắt đầu buổi ăn xế chiều với món mì tươi nấu rau củ. Đến khoảng hơn 14h, một vài học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn ói và số học sinh có cùng biểu hiện càng tăng thêm. Sau đó, Ban giám hiệu nhà trường đã gọi xe cấp cứu kịp thời đưa các học sinh đến Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Kiên Giang điều trị và báo tin cho Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá về vụ việc.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá, Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu, môi trường – Công an tỉnh; Trạm Y tế phường Rạch Sỏi đến hiện trường xác minh và thực hiện công tác điều tra ngộ độc thực phẩm. Đồng thời báo cáo nhanh về Sở Y tế, Cục An toàn thực phẩm, UBND tỉnh. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng đã phỏng vấn trực tiếp những người đã ăn, người nhà học sinh và điền đầy đủ thông tin vào phiếu điều tra.

Theo Bác sĩ Danh Tý, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang, trong vụ ngộ độc thực phẩm vừa rồi có 78 em nhập viện, trong đó, hơn 20 em phải thực hiện các biện pháp chống sốc.​

“Chúng ta cần xác định thêm nguyên nhân gây ra vi khuẩn gây ngộ độc, cơ sở cung cấp thịt, chế biến thức ăn có sử dụng hóa chất hay không? Ngoài ra, cũng cần xác định nguồn gốc thịt heo được sử dụng chế biến từ động vật chết hay sống, có nhiễm khuẩn hay không?”, Thượng tá Nguyễn Xuân Thắng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Kiên Giang phát biểu.

Ông Chung Tấn Thịnh - Phó giám đốc Sở Y Tế Kiên Giang phát biểu ý kiến.

Ông Chung Tấn Thịnh - Phó giám đốc Sở Y Tế Kiên Giang phát biểu ý kiến.

Ông Chung Tấn Thịnh, Phó giám đốc Sở Y Tế Kiên Giang yêu cầu Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tổng hợp các ý kiến của đại diện các ngành, đơn vị và hoàn thiện để có báo cáo đến UBND tỉnh. Trong báo cáo, Chi cục cần có bổ sung kiến nghị các lỗi sai phạm cụ thể của đơn vị cung cấp thức ăn, đề nghị mức phạt và cơ quan ra quyết định xử phạt đúng quy định.

Phó giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cũng cho hay, trong thời gian tới, đơn vị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở cung cấp thức ăn tập thể các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đọc thêm