Kiên Giang tăng cường khai thác công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kiên Giang đang tích cực khai thác các thế mạnh sẵn có để thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Điều này không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị nghệ thuật và xã hội cao.
Những show diễn nghệ thuật mang đậm văn hóa dân gian đã ghi dấu ấn và khẳng định được thương hiệu riêng vốn có của vùng đất Phú Quốc.
Những show diễn nghệ thuật mang đậm văn hóa dân gian đã ghi dấu ấn và khẳng định được thương hiệu riêng vốn có của vùng đất Phú Quốc.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã khai thác hiệu quả các thế mạnh của công nghiệp văn hóa, coi đó là "con gà đẻ trứng vàng" của nền kinh tế. Ở Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, gần đây nhất là Chỉ thị 30/CT-TTg vào ngày 29-8-2024, nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và bền vững của ngành này.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Kiên Giang.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Kiên Giang.

Tại Kiên Giang, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành cụ thể hóa mục tiêu và nhiệm vụ liên quan đến công nghiệp văn hóa. Sở Văn hóa và Thể thao cho biết tỉnh có trên 160 di tích và hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch văn hóa. Các lĩnh vực khác như điện ảnh, trò chơi giải trí và nghệ thuật biểu diễn cũng đang được đầu tư mạnh mẽ.

Công nghiệp văn hóa tại Kiên Giang không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Với những nỗ lực hiện tại, Kiên Giang đang trên đà trở thành một trong những điểm đến văn hóa hấp dẫn tại Việt Nam.

Triển lãm ảnh ‘Tự hào một dải biên cương’ tại TP Phú Quốc.

Triển lãm ảnh ‘Tự hào một dải biên cương’ tại TP Phú Quốc.

Công nghiệp văn hóa cung cấp nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực sáng tạo. Thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào GDP thông qua việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị. Cùng với đó, quảng bá hình ảnh tỉnh Kiên Giang, tăng cường sự hiện diện văn hóa của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

“Các lễ hội lớn và khu di tích lịch sử - văn hóa tại Kiên Giang ngày càng thu hút đông đảo du khách. Tỉnh sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đồng thời phát triển các danh lam thắng cảnh để nâng cao giá trị kinh tế và quảng bá văn hóa Kiên Giang ra thế giới”, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang chia sẻ.

Con đường mai hình bản đồ Việt Nam ở tỉnh Kiên Giang tái hiện sống động không khí Tết xưa.

Con đường mai hình bản đồ Việt Nam ở tỉnh Kiên Giang tái hiện sống động không khí Tết xưa.

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, du lịch văn hóa là sản phẩm chủ lực, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Năm 2023, Kiên Giang đón hơn 8,5 triệu lượt khách, trong đó có hơn 570 nghìn khách quốc tế, với doanh thu từ du lịch đạt trên 17,4 nghìn tỷ đồng. Đến 9 tháng năm 2024, tỉnh đã đón 8,3 triệu lượt khách, trong đó gần 737 nghìn khách quốc tế.

“Các nguồn tài nguyên du lịch văn hóa như lễ hội và di tích lịch sử sẽ được khai thác để phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa cho tỉnh”, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái chia sẻ.

Du khách người Pháp, anh Abrielle, bày tỏ: “Tôi đã đến Phú Quốc trước đó và thấy nơi này thay đổi rất nhiều. Tôi rất thích tham quan các làng chài, trekking xuyên rừng và lặn biển. Tôi cũng vừa tham gia lễ hội xô đụng tại đình thần Dương Đông, rất vui! Qua đó, tôi đã tìm hiểu nhiều nét văn hóa và phong tục tập quán của Phú Quốc”.

Đua ghe ngo tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang.

Đua ghe ngo tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang.

"Từ nay đến năm 2030, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tỉnh sẽ tổ chức xúc tiến thương mại để kết nối cung cầu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, cũng như nông sản và thủy sản trong nước và quốc tế, nhằm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh cũng sẽ phát triển du lịch toàn diện về quy mô và chất lượng, hướng đến việc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các sản phẩm du lịch sẽ được đa dạng hóa, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm tính bền vững và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Chính quyền sẽ tập trung thu hút đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các địa điểm di tích, bảo tàng và khu vui chơi giải trí. Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng và thương hiệu du lịch địa phương, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch đến du khách trong và ngoài nước." - kế hoạch của tỉnh nêu rõ.

Đọc thêm