Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp đưa nghề nuôi cá lồng bè phát triển

(PLVN) - Từ đầu năm đến nay, ngư dân các khu vực ven biển, ven đảo của tỉnh Kiên Giang thả nuôi 3.600 lồng, đạt 90% kế hoạch năm 2023, sản lượng thu hoạch gần 3.000 tấn, còn lại các lồng bè sắp thu hoạch. Theo đánh giá của ngành chuyên môn và người dân, nghề nuôi cá lồng bè của Kiên Giang từ đầu năm đến nay tương đối thuận lợi, giá cá thương phẩm khá cao nên hầu hết người nuôi có lời khá.
Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp đưa nghề nuôi cá lồng bè phát triển

Nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Là hộ nuôi cá lồng bè lớn nhất ở xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải, bà Võ Thị Thắm cho biết, mỗi năm gia đình thả nuôi 40 lồng với nhiều loại cá như: cá bớp, cá múa trân châu, cá chim vây vàng, cá cam, cá hồng mỹ, cá chẽm… Trung bình mỗi năm hộ bà Thắm xuất bán từ 35 đến 40 tấn cá các loại và thu lời từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.

Theo bà Thắm, từ đầu năm 2023 đến nay, môi trường nước không có nhiều biến động, cá nuôi khá thuận lợi và gia đình đã xuất bán một số lồng cá, lợi nhuận từ 30% so với tổng chi phí đầu tư bỏ ra. “Năm 2022, gia đình tôi được hỗ trợ nuôi thử bằng lồng HDPE thấy hiệu quả hơn lồng gỗ truyền thống, bởi lồng này bồng bềnh theo sóng biển, độ bền lâu hơn, có thể nuôi ngoài khơi, cá cũng mau lớn hơn. Tuy nhiên, tiền đầu tư lồng HDPE đến hàng trăm triệu đồng, nên tôi rất mong nhà nước có chính sách hỗ trợ khoản vay vốn lãi suất thấp để đầu tư lồng nhựa, giúp phát triển nghề nuôi bền vững hơn”, bà Thắm nói.

Còn theo ông Lê Văn Xẻo - Giám đốc Hợp tác xã Tiến Đạt, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, hợp tác xã hiện có 10 thành viên nuôi hơn 100 lồng với nhiều loại cá như: cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá mú trân châu… Tuy nhiên, theo ông Xẻo, cá bớp và cá mú là 2 loài nuôi ít thiệt hại, sinh trưởng tốt và lợi nhuận nhiều hơn so với những loài cá khác.

Cá mú có sau thời gian nuôi 9 đến 10 tháng, trọng lượng đạt trung bình 1kg/con là thu hoạch. Còn cá bớp, nuôi khoảng từ 6 - 7 tháng, đạt trọng lượng khoảng 7 kg/con là có thể thu hoạch được. Tôi gắn bó 18 năm với nghề nuôi cá lồng bè và thấy hiệu quả kinh tế ổn định. Cả 10 thành viên trong hợp tác xã thời gian qua đều nuôi đạt hiệu quả, lợi nhuận mang về từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/năm, tùy theo quy mô thả nuôi. “Hợp tác xã chúng tôi cũng rất mong nhà nước có chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để người nuôi cá có tiền đầu tư nuôi cá bằng lồng nhựa HDPE. Bởi, lồng nhựa này nuôi đạt hiệu quả hơn so với lồng gỗ truyền thống, lồng nhảy theo sóng và cá nuôi mau lớn hơn”, ông Lê Văn Xẻo chia sẻ thêm.

Ngư dân cho cá nuôi lồng bè ăn

Ngư dân cho cá nuôi lồng bè ăn

Bà Tô Diễm Thúy - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Hòn Tre cho biết, nghề nuôi cá lồng bè ở xã đảo này có trên 15 năm nay và hiện có 43 hộ nuôi với khoảng 300 lồng cá. Hầu hết người nuôi đều mang về lợi nhuận khá cao, trung bình lời từ 25% đến 30% so với chi phí đầu tư đã bỏ ra. Riêng gia đình bà Thúy bắt đầu nuôi cá bè từ năm 2018 với với số lượng thả từ 6 lồng nuôi và phát triển dần đến nay có 20 lồng với các loài: cá chim vây vàng, cá mú trân châu, cá mè vẫu…

“Thay mặt những người nuôi biển, tôi mong nhà nước kết nối cùng công ty có chính sách ưu đãi như trả góp, hoặc vay lãi suất thấp, giúp người nuôi có thể đầu tư lồng HDPE để nuôi cá ngoài khơi đạt hiệu quả kinh tế hơn. Cùng với đó, bao tiêu đầu ra với một mức giá hợp lý để người nuôi yên tâm thả nuôi”, bà Thúy bày tỏ.

Huyện Kiên Hải đặt mục tiêu thả nuôi đạt 1.200 lồng trong năm 2023, sản lượng thu hoạch 1.250 tấn cá. Từ đầu năm đến nay, huyện đã phát triển hơn 1.170 lồng bè, sản lượng cá thu hoạch trên 650 tấn. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải, qua nhiều năm áp dụng, thấy nghề nuôi biển mang lại hiệu quả kinh tế, nhất là các loài cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng có giá khá cao nên nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn mở rộng sản xuất và thả nuôi cá giống với số lượng lớn hơn trước.

Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ trong nghề nuôi cá lồng

Để giúp cho nghề nuôi cá lồng bè phát triển, thời gian qua, huyện Kiên Hải phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, lấy mẫu nguồn nước tại các khu vực để cùng người nuôi chủ động các biện pháp phòng tránh, bảo vệ đàn cá nuôi. Cùng với đó, triển khai nuôi thử nghiệm lồng nhựa HDPE và tuyên truyền, vận động người dân chuyển từ nuôi lồng cây truyền thống sang nuôi bằng lồng nhựa này để đảm bảo hiệu quả mang lại. Tuy nhiên, công tác này gặp khó, vì nguồn vốn đầu tư khá lớn, người dân khó có thể tự đầu tư được.

Ông Đặng Tùng Long - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải cho biết, huyện có lợi thế là có những vùng biển, đảo kín gió và nguồn thức ăn sẵn có từ nghề khai thác đánh bắt, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi cá lồng bè phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế.

Để giúp cho nghề nuôi này phát triển bền vững, bên cạnh các giải pháp chuyên môn, vấn đề cần quan tâm là khuyến khích, tạo điều kiện để người dân chuyển từ nuôi lồng cây truyền thống sang nuôi bằng lồng HDPE. “Ngành cũng xác định nuôi biển bằng lồng HDPE đạt hiệu quả hơn so với lồng truyền thống. Phòng cũng tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi, tuy nhiên, kinh phí đầu tư khá cao nên chưa được nhiều người áp dụng. Về góc độ địa phương, huyện cũng kêu gọi những công ty, doanh nghiệp sản xuất lồng HDPE có cơ chế trả góp cho nông dân có thể đầu tư nhằm góp phần phát triển nghề nuôi biển”, ông Long cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu nuôi cá lồng bè trên biển với 4.000 lồng, sản lượng 4.100 tấn. Đến nay, tỉnh đã phát triển hơn 3.600 lồng, đạt 90% kế hoạch, tập trung tại các khu vực ven biển, ven đảo thuộc 2 huyện Kiên Hải, Kiên Lương và 2 TP Phú Quốc, Hà Tiên. Kiên Giang đã và đang khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nuôi biển giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh ưu tiên bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển như cá lồng bè, nhuyễn thể, đối tượng thủy sản khác theo hướng tập trung, liên kết sản xuất bền vững, gắn với công tác giao khu vực biển, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi lồng bè trên biển theo quy định.

Còn ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Kiên Giang, một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nghề nuôi cá lồng bè được tỉnh quan tâm như: Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi gắn với quan trắc môi trường nước và nâng cao năng lực chẩn đoán, cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản; tổ chức tập huấn, hướng dẫn người nuôi phòng, trị bệnh trên đàn cá nuôi, các biện pháp xử lý khi dịch bệnh xuất hiện, khống chế không để lây lan ra diện rộng.

Các ngư dân Kiên Giang cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nghề nuôi cá lồng bè

Các ngư dân Kiên Giang cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nghề nuôi cá lồng bè

Triển khai thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi biển năm 2023 và xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình khuyến nông thúc đẩy nuôi biển từ nay đến năm 2030. Đặc biệt, ưu tiên mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về vật liệu mới như kết cấu lồng nuôi bằng nhựa HDPE, lồng lưới chịu lực, sử dụng thiết bị máy móc phụ trợ, chiếu sáng trên bè bằng năng lượng mặt trời... Địa phương cũng khuyến khích triển khai nhân rộng phát triển liên kết chuỗi sản xuất, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, nuôi cá lồng bè sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn cá tạp, khuyến cáo hộ nuôi cá đầu tư lồng nuôi bằng vật liệu HDPE thay thế lồng gỗ truyền thống… Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy định pháp luật về đăng ký, cấp phép nuôi biển, phổ biến những nội dung quan trọng của đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 cho các tổ chức và hộ dân.
Cùng với đó là đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi cá lồng bè như: đầu tư lồng nuôi, cung ứng con giống đến bao tiêu sản phẩm, sản xuất chế biến, xuất khẩu các mặt hàng từ nguồn nguyên liệu cá lồng bè được nuôi ở Kiên Giang.

Đọc thêm