Kiến nghị chính sách ưu tiên để doanh nghiệp ngành gỗ bớt loay hoay khi thực hiện 'mục tiêu kép'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là ngành xuất khẩu (XK) chủ lực với mục tiên XK 14,5% tỷ USD trong năm nay, song trong 3 tháng qua, kim ngạch XK gỗ đã “tụt dốc không phanh”. Có đến hơn 50% doanh nghiệp (DN) phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất, số DN hoạt động cũng chỉ cầm cự 50- 60% công suất. Đến nay, mới chỉ có 15 -20% DN ngành gỗ được tiêm vaccine….
Nhiều DN không đủ lao động để có thể mở cửa hoạt động trở lại
Nhiều DN không đủ lao động để có thể mở cửa hoạt động trở lại

Hơn 50% doanh nghiệp đóng cửa

Năm 2020, XK gỗ và lâm sản đạt 13,17 tỷ USD, tăng 16%; xuất siêu trên 10 tỷ USD. Nửa đầu năm nay, XK gỗ và lâm sản tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước khi 5 tháng đầu năm, kim ngạch XK đã đạt 7,1 tỷ USD, tăng 62,9 % so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương).

Đây là những nơi tập trung nhiều các DN chế biến gỗ (chiếm khoảng trên 70% tổng số DN ngành gỗ, trị giá XK chiếm gần 80% tổng kim ngạch XK của cả nước).

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 3 tháng gần đây, trị giá XK đã sụt giảm đáng kể, bình quân 3 tháng 6/2021, 7/2021, 8/2021 giảm hơn 16% so với các tháng liền kề trước đó. Riêng tháng 8/2021 ước giảm hơn 22% so với tháng 7/2021.

Báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, đến nay có hơn 50% DN phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất. “Những DN này đang đối diện nguy cơ phá sản do vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí, lãi suất ngân hàng…. Những DN còn hoạt động (thực hiện “3 tại chỗ- 3T”, “1 cung đường 2 điểm đến- 2T”...) thì cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường...” - ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST cho hay.

Đáng ngại, những DN đang cố gắng cầm cự này cũng đang rất khó khăn khi chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức 3T, 2T đã tăng khoảng 20-30%, do phải chi phí ăn, ở tại chỗ, test nhanh COVID-19, xét nghiệm PCR cho người lao động (tăng thêm khoảng từ 5-6 triệu đồng/tháng/1 lao động, thậm chí cao hơn tùy theo địa phương).

“Với thực tế này thì DN rất khó cầm cự và cũng không đủ nguồn lực để trả các khoản vay đến hạn. Ngoài ra, DN còn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn chiếm khoảng 15% chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.. Đây cũng thực sự là gánh nặng cho DN...” - đại diện VIFOREST lo lắng.

Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt (TP Dĩ Anh, Bình Dương) bị phong tỏa sau khi có hơn 240 công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt (TP Dĩ Anh, Bình Dương) bị phong tỏa sau khi có hơn 240 công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động

Tại Hội nghị giao ban về chế biến gỗ và lâm sản do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm 7/9, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho rằng số lượng người lao động có thể không chính xác vì biến động hàng ngày, hàng giờ, nhưng nhìn vào kim ngạch XK đang giảm qua các tháng có thể thấy được tình trạng của DN hiện nay. “Đây là tín hiệu rất xấu! Cho nên vấn đề tiêm vaccine cho người lao động phải là ưu tiên hàng đầu hiện nay!” - ông Điền đề nghị.

Chia sẻ về câu chuyện tiêm vaccine, ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho biết Hiệp hội cũng làm danh sách cả đêm gửi lên Sở với hy vọng được tiêm ngay, nhưng mãi vẫn chưa có động thái gì. “Đây mới là Danh sách lao động của DN thực hiện 3T chứ không phải người lao động nói chung” - ông Quân chia sẻ.

"Hiện nay chúng tôi chỉ còn 30-40% DN hoạt động, công suất không quá 50%, nếu người lao động không được ưu tiên tiêm vaccine rất khó duy trì sản xuất!” - ông Quân lo ngại.

"Điều đáng mừng là Chính phủ đã có bước ngoặc từ "chống dịch như chống giặc" chuyển hướng "sống chung với dịch". Nhưng làm sao để sống chung an toàn thì có lẽ cần linh hoạt, bám vào thực tiễn để có giải pháp cụ thể" - Chủ tịch BIFA, ông Điền Quang Hiệp đề nghị.

Theo ông Hiệp, các tín hiệu lúc này cho thấy sau ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương sẽ rục rịch cho hoạt động kinh tế trở lại. Tuy nhiên, với ngành gỗ đang có hai thách thức: Lực lượng lao động chỉ còn 30-40%, tỷ lệ phủ vaccine chưa đáng kể. Trong lúc đó, trong danh sách ưu tiên vaccine, công nhân, người lao động ở vị trí 13/16, gần chót sổ.

"Ưu tiên vaccine như thế có phù hợp với mục tiêu kép mà Chính phủ luôn nói tới không?" - ông Hiệp đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị các địa phương đưa người lao động ở khu vực sản xuất lên vị trí thứ 8 trong danh sách ưu tiên này.

Theo cập nhật của VIFOREST, đến cuối tháng 8/2021, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định là những địa phương thuộc vùng dịch nhưng mới có khoảng từ 15-20% người lao động được tiêm vaccine. Trong văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, VIFOREST đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế; các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm