Kiến nghị cộng nối thời gian tính hưởng BHXH cho quân nhân nhập ngũ sau 15/12/1993

(PLVN) - Bộ Quốc phòng thông tin, không phải tất cả các đối tượng tham gia phục vụ Quân đội từ sau ngày 15/12/1993 đều được xem xét, giải quyết tính nối thời gian công tác trong Quân đội để hưởng chế độ BHXH mà phải thỏa mãn một số điều kiện bắt buộc, nhằm bảo đảm cân đối với các đối tượng khác, phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng; nguyên tắc chia sẻ của BHXH.
Ảnh minh họa: Báo Quân khu 7
Ảnh minh họa: Báo Quân khu 7

Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ, với nội dung: “Cử tri tiếp tục kiến nghị Bộ điều chỉnh, bổ sung quy định đối với những quân nhân tham gia quân đội từ sau ngày 15/12/1993 xuất ngũ cũng được cộng nối thời gian để tính hưởng BHXH. Cử tri cho rằng, việc không được cộng nối thời gian gây thiệt thòi cho những đối tượng này sau khi xuất ngũ trở về tham gia công tác có đóng BHXH hoặc tham gia đóng BHXH tự nguyện”.

Với nội dung này, ngày 3/8/2023, Bộ Quốc phòng đã có văn bản số 2762/BQP-CT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ để trả lời cử tri. Ngày 29/9/2023, Ban Dân nguyện/Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc họp nghe các Bộ, ngành giải trình, cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành liên quan và kết luận của đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện, Bộ Quốc phòng trả lời nội dung kiến nghị nêu trên của cử tri tỉnh Phú Thọ.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm xã hội (BHXH) thì quân nhân tham gia Quân đội từ sau ngày 15/12/1993 đã xuất ngũ được xem xét cộng nối thời gian công tác trong Quân đội để tính hưởng BHXH trong các trường hợp sau:

Trường hợp quân nhân phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 15/12/1993 đến ngày 31/12/1994 mà chưa giải quyết chế độ trợ cấp phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc trợ cấp một lần, BHXH một lần thì thời gian tham gia Quân đội được tính hưởng BHXH (quy định tại khoản 9 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân).

Trường hợp xuất ngũ trong thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2006 chưa được tính là thời gian tham gia đóng BHXH (theo quy định tại Điều lệ BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ; Công văn số 993/BHXH-CĐCS ngày 26/4/2002 của BHXH Việt Nam về tính thời gian công tác hưởng BHXH đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội sau ngày 15/12/1993).

Trường hợp người lao động đã nhận BHXH một lần khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực thi hành, nếu có nguyện vọng bảo lưu thời gian đóng BHXH trước đó thì phải hoàn trả quỹ BHXH khoản BHXH một lần đã nhận. Sau khi nộp lại số tiền BHXH đã nhận vào quỹ BHXH, cơ quan BHXH có trách nhiệm xác nhận, bảo lưu thời gian và mức đóng BHXH trước đó để tính hưởng BHXH sau này. Thời gian phục viên, xuất ngũ, thôi việc về địa phương không được tính là thời gian tham gia BHXH (quy định tại khoản 8 Điều 17 Thông tư liên tịch số 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP).

Theo Bộ Quốc phòng, quy định tại Nghị định số 33/2016/NĐ-CP đã cụ thể hóa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; xác định rõ đối tượng, trường hợp và điều kiện được cộng nối thời gian công tác trong Quân đội để tính hưởng BHXH; không phải tất cả các đối tượng tham gia phục vụ Quân đội từ sau ngày 15/12/1993 đều được xem xét, giải quyết tính nối thời gian công tác trong Quân đội để hưởng chế độ BHXH mà phải thỏa mãn một số điều kiện bắt buộc, nhằm bảo đảm cân đối với các đối tượng khác, phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng; nguyên tắc chia sẻ của BHXH.

Đọc thêm