Kiến nghị đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù không phải địa phương sản xuất nông nghiệp song trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất, không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới.
DN sản xuất mỳ gói băn khoăn, liệu không có đủ hành, tiêu, tỏi, ớt... thì mì gói có được đóng gói bán ra thị trường không?
DN sản xuất mỳ gói băn khoăn, liệu không có đủ hành, tiêu, tỏi, ớt... thì mì gói có được đóng gói bán ra thị trường không?

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND TP HCM cho biết, dịch bệnh COVID-19 khiến cho tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các DN bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Đặc biệt, hiện tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất của các DN trong ngành lương thực, thực phẩm tại TP HCM đều lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh thành phía Nam, mà bất cứ một sự đứt gãy nào đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, xuất khẩu và đời sống người dân.

Vì vậy, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có giải pháp duy trì không để đứt gãy sản xuất hàng hóa dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân.

Trong đó, bảo đảm vùng nguyên liệu và nguồn nguyên liệu an toàn cho sản xuất và cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho TP HCM và xuất khẩu khi kiểm soát được dịch COVID-19.

Văn bản của TP HCM cũng tỏ ra lo lắng nếu tình trạng nông dân các tỉnh đã tổ chức trồng trọt, thậm chí đã gần thu hoạch sản phẩm phải phá bỏ giữa chừng vì nhận thấy không thể tiêu thụ sản phẩm được như thời gian qua, sẽ dẫn đến nguy cơ ngừng sản xuất sẽ khiến mùa vụ chậm trễ, ảnh hưởng cả chất và sản lượng sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu cho ngành sản xuất lương thực, thực phẩm về sau.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các chốt kiểm soát giữa các tỉnh, thành phố chưa thống nhất. Khiến cho việc lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu yếu phẩm, chưa kịp thời; chưa được giải quyết triệt để, khiến DN gặp khó khăn.

TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1015 ngày 25/7/2021 về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19, chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa tại nhà máy, tại kho, không kiểm tra trên đường.

UBND TP HCM cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Công an và Bộ Y tế ban hành phương thức kiểm tra phương tiện vận chuyển người và hàng hóa lưu thông qua các chất kiểm soát dịch bệnh để thống nhất áp dụng trong khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và trên cả nước; xây dựng luồng, tuyến ưu tiên cho các xe vận chuyển hàng hóa lưu thông tại các chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa phương, tránh ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm.

Hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm

Thực tế cho thấy, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, ngoài các nguyên liệu chính thì các DN sản xuất đầu cuối phải nhập từ nhiều loại nguyên phụ liệu khác nhau. Trong tình hình hiện nay, khả năng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu phải dừng hoạt động bởi dịch COVID-19 khiến nguyên phụ liệu thiếu hụt, ảnh hưởng đến sản xuất.

UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải pháp xử lý tạm thời trong thời gian ngắn, cho phép DN có thể thay đổi nguyên liệu, tỷ lệ nguyên liệu nhưng chất lượng không thay đổi và được sử dụng bao bì hiện tại để giảm chi phí sản xuất và gửi báo cáo chi tiết cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, thông tin minh bạch, cam kết không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định liên quan.

Về việc hỗ trợ vốn vay cho các DN ngành lương thực, thực phẩm để thu mua và tăng dự trữ tồn kho đối với nguồn nguyên, phụ liệu sản xuất, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ cho DN lương thực, thực phẩm và các DN sản xuất vật tư tiêu hao phục vụ ngành y tế trên địa bàn Thành phố về miễn giảm lãi suất vay và cho vay mới với hạn mức tín dụng cao hơn.

Cùng với đó là đẩy nhanh quá trình giải ngân các khoản vay; chủ động về nguồn vốn gắn với các chương trình tín dụng ưu đãi, gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi để bổ sung nguồn vốn nhằm thu mua dự trữ nguyên liệu, vật tư hàng hóa dành cho các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất sau khi dịch được kiểm soát.

Đồng thời, chỉ đạo ngành ngân hàng chủ động về nguồn vốn gắn với các chương trình tín dụng ưu đãi, gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi để dự trữ nguyên liệu, vật tư hàng hóa dành cho các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất sau khi dịch được kiểm soát.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên 85%, nhằm giảm áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.

Không có hành, tiêu, tỏi, ớt..., chuỗi sản xuất mỳ gói bị đứt gãy!

Tại Tọa đàm trực tuyến “Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch COVID-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, bà Lý Thị Kim - Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP.Hồ Chí Minh (FFA) - cho biết: Theo quy định của UBND TP.HCM, sau 18 giờ chiều tới 6 giờ sáng hôm sau có một số nhóm đối tượng được ra đường. Thế nhưng, trong các nhóm này không có lãnh đạo, quản đốc doanh nghiệp thực phẩm (!?)

Cũng vì quyết định này, thương lái phải nghỉ hết, từ đó nguyên liệu phục vụ cho ngành lương thực, thực phẩm bị đứt gãy.

Theo Chủ tịch FFA: Các lệnh giới nghiêm, hạn chế đi lại, phân luồng xanh chưa hợp lý đã làm độn thêm chi phí phát sinh, khiến nhiều DN khổ vô cùng. Có trường hợp vì chi phí độn thêm, khi bán thành phẩm bị lỗ, nhưng vẫn phải kinh doanh lỗ.

Cũng vì việc hạn chế đi lại, lái xe, thương lái nghỉ hết, nên hành, tiêu, tỏi, ớt không về được các nhà máy, trong đó ngành sản xuất mỳ gói không thể vận hành được.

“Trong các gói mỳ luôn có hành, nhưng nguyên liệu không về được, chúng tôi không thể sản xuất. Liệu không đủ nguyên liệu, chúng tôi có được bán ra thị trường hay không, hoặc ban ngành nào cho phép chúng tôi sản xuất khi không đủ thành phẩm trên bao bì?” - đại diện FFA băn khoăn.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm