Kiến nghị điều chỉnh giá, phí, thuế... nhằm phục hồi sản xuất công nghiệp địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Giãn cách xã hội liên tục ở nhiều tỉnh, thành khiến cho tình hình tiêu thụ và sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt địa phương đã gửi kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành các biện pháp để phục hồi sản xuất.
Hai nhà máy điện Cà Mau 1 & 2 giảm sản lượng, khiến số nộp ngân sách có thể chỉ đạt 32% so với hàng năm.
Hai nhà máy điện Cà Mau 1 & 2 giảm sản lượng, khiến số nộp ngân sách có thể chỉ đạt 32% so với hàng năm.

Lo thất thu ngân sách vì tiêu thụ điện giảm

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tiêu thụ điện trên toàn quốc giảm mạnh buộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải thực hiện biện pháp cân đối giảm huy động điện từ các nguồn để đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia. Điều này khiến cho nhiều nhà máy sản xuất điện bị sụt giảm doanh thu, số tiền nộp ngân sách giảm mạnh, trong đó Nhà máy điện Cà Mau 1&2 dự kiến có thể chỉ đạt 32% số nộp ngân sách so với hàng năm.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Cà Mau đã có Công văn hỏa tốc gửi Bộ Công Thương kiến nghị Bộ chỉ đạo EVN tăng cường huy động từ Nhà máy điện Cà Mau 1&2. Công văn nêu rõ, 8 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất của 2 nhà máy này là 4,95 tỷ kWh, trong khi thực tế chỉ huy động 3,49 tỷ kWh. Điều này làm giảm chỉ tiêu ngành công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm của tỉnh Cà Mau xuống 5,54% so với năm trước, GRDP của tỉnh chỉ đạt 45,82% kế hoạch.

Với tình hình huy động như hiện nay, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 có sản lượng điện sản xuất dự kiến chỉ đạt 75% so với kế hoạch năm. Với kết quả sản xuất kinh doanh này, đơn vị dự kiến nộp ngân sách nhà nước tại địa phương chỉ khoảng 152 tỷ đồng, tương đương 32% so với trung bình hằng năm, gây ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tăng trưởng của tỉnh Cà Mau trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Không chỉ Cà Mau lo lắng về số thu ngân sách, nhiều tỉnh - nơi đang thi công những dự án điện gió cũng đứng trước nguy cơ ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, khiến các dự kiến về số tiền nộp ngân sách địa phương trở nên khó khăn. Trước tình hình đó, một loạt địa phương đã có văn bản kiến nghị kéo dài thời gian gia hạn FIT điện gió (cơ chế giá khuyến khích nguồn năng lượng tái tạo).

Cụ thể, UBND các tỉnh Đắk Nông, Ninh Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu đã có văn bản đánh giá khả năng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11/2021 để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 UScent/kWh (theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg). Nguyên nhân là do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp tuabin gió (nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ tại nước sở tại), vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng gặp khó do giãn cách xã hội.

Các tỉnh kiến nghị Thủ tướng và Bộ Công Thương xem xét gia hạn FIT thêm đến ít nhất là hết quý I/2022 đối với các dự án điện gió đã xong phần giải phóng mặt bằng, đang thi công, có hợp đồng mua bán điện được ký; hợp đồng mua sắm thiết bị đã ký kết, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được phê duyệt.

Biện pháp cho ngành công nghiệp ô tô

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Nam và Ninh Bình có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, 2 tỉnh này đề đạt khá nhiều biện pháp nhằm phục hồi sản xuất ngành công nghiệp ô tô trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh khiến thị trường ô tô rơi vào tình thế khó khăn chưa từng có khi tiêu thụ giảm tới hơn 50%, nhiều nhà máy lắp ráp phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất, bố trí lao động nghỉ luân phiên...

Các biện pháp giải quyết khó khăn trước mắt được đề cập đến bao gồm: Tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp, như đã áp dụng trong năm 2020 theo Nghị định 70/2020; Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021 (như quy định tại Nghị định 109/2020); Điều chỉnh giảm quy định sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu trong năm 2021 và 2022 đối với nhóm xe chở người từ 9 chỗ trở xuống, dung tích xi lanh từ 2.500cc trở xuống.

Dài hơi hơn, các địa phương này đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu đối với linh kiện trong nước chưa sản xuất được thêm một khoảng thời gian phù hợp, có thể từ 3-5 năm (sau khi Nghị định 57/2020 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, hết hiệu lực vào ngày 21/12/2022).

Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Bình còn kiến nghị cho phép doanh nghiệp thành lập mới được tham gia chương trình ưu đãi thuế mà không cần xem xét tiêu chí về sản lượng tối thiểu trong 3 năm đầu tiên và khi các doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng trở lên và có giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ từ nhà sản xuất nước ngoài theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Giao các bộ xem xét gia hạn FIT và thuế đối với ô tô

Liên quan đến một số kiến nghị từ các tỉnh, mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Công Thương xem xét cụ thể các kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 30/9/2021 về vấn đề gia hạn FIT điện gió. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xử lý đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm