Nếu những kiến nghị của Tổ Tư vấn bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) được chấp thuận, đối tượng được bảo hiểm sẽ mở rộng trong khi bà con nông dân sẽ lại được giảm phân nửa mức phí. BHNN mới thực sự phát huy hiệu quả là công cụ bảo đảm an toàn tài chính cho bà con trước các rủi ro. Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trao đổi về vấn đề này.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam |
Thưa ông, BHNN đã triển khai thí điểm được 10 tháng, song đến nay các địa phương vẫn loay hoay, vướng mắc do đâu thưa ông?
Đúng vậy, đã gần 10 tháng triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1/3/ 2011 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hầu hết các địa phương vẫn loay hoay triển khai. Đến nay mới chỉ có 2 tỉnh Nghệ An và Đồng Tháp đã ký được các hợp đồng bảo hiểm, với 23.000 hộ. Các tỉnh khác vẫn “ì ạch”, có thể nói, do vướng từ Thông tư 47/2011 ngày 29/6/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).
Đơn cử, bằng thông tư này, Bộ NN&PTNT quy định lựa chọn 20 tỉnh triển khai thí điểm, mỗi tỉnh chọn 3 huyện, mỗi huyện chọn 3 xã, mỗi xã thì người dân lại không tham gia toàn bộ, vì vậy đối tượng tham gia bảo hiểm quá hẹp. Quy định về rủi ro đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản cũng chưa phù hợp với thực tế; quy định về quy mô và kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, chuồng trại cũng không sát, nên phần lớn bà con không đáp ứng được các tiêu chí này.
Trong khi, phí bảo hiểm lại quá cao, một người chăn nuôi cho biết, nuôi một con lợn trong vòng 3-4 tháng lãi 250 nghìn; mua bảo hiểm mất 240 nghìn; dại gì mà phải mua bảo hiểm. Hay một bác nông dân trồng lúa đã từng nhẩm tính, để mua bảo hiểm cho cây lúa, 20.000 đồng/1 sào ruộng/vụ, tức 40.000 đồng/năm (tương đương 10kg thóc); 400.000 đồng/1 mẫu ruộng. Chưa kể, các khoản chi phí khác như công cày bừa, cấy, phân đạm, thuốc trừ sâu, công chăm sóc và thu hoạch, thì coi như “lỗ vốn à”.
Trước những bất cập nói trên, Tổ Tư vấn bảo hiểm nông nghiệp, trong đó đã có kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp nhanh chóng sửa đổi thông tư nói trên. Ông có thể nói rõ về những kiến nghị này?.
Để khắc phục bất cập trên, Tổ tư vấn gồm các chuyên gia đầu ngành đã kiến nghị mở rộng thêm đối tượng được bảo hiểm.
Đơn cử, đối với cây lúa, để đảm bảo lợi ích tối đa cho người được bảo hiểm, trong trường hợp mức tổn thất của đơn vị được bảo hiểm chưa đạt 15%; nhưng có ít nhất 50 hộ bị tổn thất toàn bộ, thì doanh nghiệp bảo hiểm được quyền xem xét chi trả bồi thường cho các hộ bị thiệt hại này căn cứ vào tình hình thực tế. Mặt khác, với thiệt hại tối thiểu 5ha lúa được bảo hiểm trên địa bàn bị thiệt hại dẫn đến phải gieo cấy lại, công ty bảo hiểm sẽ xem xét chi trả, thay vì quy định mức 20% tổng diện tích thiệt hại như hiện nay.
Đối với phí bảo hiểm, Tổ tư vấn BHNN cũng khuyến nghị giảm phí bảo hiểm đối với đàn lợn từ 5% xuống 2,5%; gia cầm từ 6% xuống 3% cho một chu kỳ chăn nuôi. Đồng thời, kiến nghị việc công bố dịch, không phải do UBND tỉnh công bố, mà chỉ cần xác nhận cơ quan chức năng, có thể cơ quan thú y huyện hoặc cơ quan thú y tỉnh xác nhận là được.
Tổ Tư vấn cũng đề nghị mở rộng quy mô thêm huyện, thêm xã tham gia BHNN đáp nhu cầu của bà con nông dân. Vì có một thực tế, nhiều nơi bà con muốn tự nguyện mua bảo hiểm nông nghiệp nhưng chưa thuộc đối tượng thí điểm nên cũng không được tham gia.
Tuy nhiên, chính các DN được chỉ định tham gia BHNN lại cũng chưa hào hứng lắm với loại hình này. Là người đại diện cho các DN, Hiệp hội có thể giải thích như thế nào, thưa ông?
Các tổng công ty bảo hiểm lớn như Bảo Việt và Bảo Minh là những doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước dễ dàng triển khai, đánh giá hiệu quả, giám sát và tổng kết kinh nghiệm. Còn các DN bảo hiểm khác thì vẫn đang “nghe ngóng” và không dám làm, vì để triển khai tốt được bất kỳ loại bảo hiểm nào cũng cần nhân lực, tài chính và mạng lưới đủ mạnh. Đơn cử, để triển khai BHNN, chỉ tính riêng kinh phí để đi tuyên truyền tới 20 tỉnh, 60 huyện 180 xã đã rất lớn rồi, lại còn kinh phí đào tạo để lãnh đạo xã, huyện, tỉnh hiểu và tích cực hưởng ứng không phải làm được trong ngày một ngày hai.
Mà để BHNN “đi” vào cuộc sống, cần sự đồng lòng vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt, làm sao “đảo chiều” tâm lý của bà con nông dân. Bên cạnh, việc đa dạng các hình thức tuyên truyền, theo tôi, cách thiết thực nhất là phải có thực tế chứng minh. DN bảo hiểm đang đền bù vụ tôm, cá chết ở Sóc Trăng. Hy vọng, trong thời gian tới, DN bảo hiểm sẽ chứng minh để bà con thấy những lợi ích thiết thực khi tham gia BHNN.
Xin cảm ơn ông!
Mai Hoa (thực hiện)