Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri TP HCM, với nội dung: “Cử tri kiến nghị có chính sách hỗ trợ cho những quân nhân đào, bỏ ngũ trước đây vì nhiều lý do, có đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đề xuất xem xét cho những quân nhân đào, bỏ ngũ được nhập khẩu và được cấp căn cước công dân để đảm bảo quyền lợi công dân của họ”.
Về nội dung này, Bộ Quốc phòng đã có trả lời. Theo Bộ Quốc phòng, việc xử lý và giải quyết chính sách đối với quân nhân đào, bỏ ngũ qua các thời kỳ được quy định tại nhiều văn bản.
Cụ thể, các văn bản gồm: Bộ luật Hình sự năm 1959; Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Quyết định của Hội đồng Chính phủ (số 185-CP ngày 25/9/1969 về việc bổ sung một số chế độ đối với quân nhân, gia đình liệt sĩ và quân nhân đào ngũ; số 09-CP ngày 21/01/1972 về việc bổ sung một số chế độ và biện pháp kỷ luật lao động bắt buộc đối với số quân nhân đào ngũ; số 191-CP ngày 23/6/1980 về các hình thức xử lý đối với quân nhân đào ngũ, thanh niên trốn tránh nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và những người có những hành vi phá hoại, cản trở việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự); các Nghị định của Chính phủ (số 24/CP ngày 18/4/1996 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng; số 151/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng; số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam); các Thông tư của Bộ Quốc phòng (số 25/TT-QP ngày 27/6/1980 hướng dẫn việc giải quyết những quân nhân đào ngũ, thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ, những người có hành vi phá hoại hoặc cản trở việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự; số 1070/TT-BQP ngày 14/7/1982 hướng dẫn việc giải quyết tiếp vấn đề quân nhân đào ngũ; số 177/2013/TT-BQP ngày 16/9/2013 quy định về quản lý quân số trong Quân đội nhân dân Việt Nam; số 300/2017/TT-BQP ngày 13/12/2017 quy định về quản lý quân số lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân).
Căn cứ quy định của pháp luật, ở từng giai đoạn, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị Quân đội đã quan tâm, phối hợp tích cực giải quyết, xử lý dứt điểm, góp phần giữ nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật về nghĩa vụ quân sự, đồng thời tạo điều kiện cho những quân nhân vi phạm có cơ hội phấn đấu trở thành công dân tốt, giúp cho quân nhân đào, bỏ ngũ sau khi xử lý vi phạm sớm hòa nhập vào cuộc sống đời thường.
Cũng theo Bộ Quốc phòng, về cơ bản, số quân nhân đào, bỏ ngũ đã được xử lý và giải quyết chính sách; tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, một số trường hợp sau khi đào, bỏ ngũ, bỏ nhiệm vụ, bỏ đơn vị không trở về địa phương mà trốn tránh sang địa phương khác sinh sống, thay đổi họ tên vào làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp... nhất là số đào, bỏ ngũ trong thời kỳ đất nước “còn chiến tranh” hoặc vì lý do nào đó chưa được xử lý, giải quyết các tồn đọng, do đó chưa được cấp Căn cước công dân như cử tri phản ánh.
Về việc “Kiến nghị có chính sách hỗ trợ cho những quân nhân đào, bỏ ngũ trước đây vì nhiều lý do, có đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”, tại điểm a khoản 1 Điều 53 Chương VI (tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, xử lý vi phạm) Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, quy định “1. Không xem xét công nhận người có công với cách mạng trong các trường hợp sau đây: a) Tham gia các hoạt động chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước; đào ngũ, phản bội, chiêu hồi; đang chấp hành án phạt tù có thời hạn nhưng không được hưởng án treo, tù chung thân, tử hình hoặc bị kết án về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; bị tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu công an nhân dân”; do đó không có cơ sở xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ.
"Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chỉ đạo Bộ Tư lệnh TP HCM phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm. Đồng thời đề nghị Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương có những giải pháp, chính sách thiết thực hơn nữa, để xem xét, giải quyết dứt điểm cho những quân nhân đào, bỏ ngũ được nhập khẩu và được cấp thẻ Căn cước công dân theo đúng quy định của pháp luật", Bộ Quốc phòng thông tin.