Kiến nghị tích hợp các thiết bị thông tin trên tàu cá

(PLVN) - Trong bối cảnh cả nước đang gấp rút triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhiều địa phương đã đạt kết quả tích cực trong công tác kiểm soát tàu cá, nâng cao ý thức ngư dân và tăng cường thực thi pháp luật.
Tàu câu mực của ngư dân tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Nhật Anh)

Tại Quảng Nam, theo báo cáo công tác chống khai thác IUU gửi Bộ NN&MT, từ 1/1/2023 - 27/4/2025, tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về phòng, chống khai thác IUU, đặc biệt nhằm chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC).

Công tác tuyên truyền chống khai thác IUU được triển khai rộng khắp. Các sở, ban, ngành tổ chức tập huấn, đến từng hộ dân để vận động, ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài và không để mất tín hiệu giám sát hành trình (VMS).

Tính đến hết tháng 4/2025, toàn tỉnh có 2.545 tàu cá đã đăng ký. Trong đó, 569 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, nhóm bắt buộc phải lắp thiết bị VMS. Đến nay, 568 tàu cá có chiều dài từ 15m đã lắp đặt VMS, đạt tỷ lệ 99,8%. Công tác cấp giấy phép khai thác cũng đạt 94,8% trên toàn tỉnh. Hệ thống phần mềm eCDT đã được triển khai cho toàn bộ tàu cá trên 15m.

Về công tác thực thi pháp luật, từ đầu năm 2025 đến nay, Quảng Nam không ghi nhận trường hợp tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hay xử lý. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 31 vụ liên quan đến khai thác IUU, trong đó xử phạt hành chính 15 vụ với tổng số tiền gần 494 triệu đồng. Vi phạm phổ biến nhất là liên quan đến thiết bị VMS và thông tin liên lạc trên tàu cá.

Để chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế và tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong công tác chống khai thác IUU.

Trọng tâm là tiếp tục theo dõi và cập nhật các thông tin tàu cá mất kết nối VMS, tàu cá vi phạm ranh giới được phép khai thác thủy sản trên biển và tàu cá chưa lắp đặt VMS vào hệ thống cơ sở dữ liệu để giám sát; rà soát và hoàn thành việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, cập nhật vào cơ sở dữ liệu VNFishbase.

Tập trung xử lý nghiêm tàu cá cố tình vi phạm VMS, nhất là nhóm tàu câu mực khơi ở vùng giáp ranh. Tỉnh cũng kiến nghị tích hợp các thiết bị thông tin trên tàu cá (VMS, nhật ký điện tử, liên lạc khẩn cấp, điện thoại vệ tinh…) thành một hệ thống thống nhất để tăng hiệu quả quản lý và hỗ trợ tàu vươn khơi an toàn, bền vững. Đề xuất chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh có giải pháp công nghệ để thiết bị có thể ghi nhận được hành trình của tàu cá ngay cả khi mất kết nối định vị vệ tinh, GPS và ngắt nguồn để làm cơ sở cho xử lý vi phạm hành chính.

* Tại Bình Định, trong những tháng đầu năm 2025, đã hoàn thành việc xử lý, đăng ký cho toàn bộ tàu cá "3 không" trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 6/2024 đến nay, không có tàu cá nào của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

Chi cục Thủy sản đã tổ chức trực ban hệ thống trạm bờ 24/24h, phát hiện và thông báo 1 lượt tàu bị cảnh báo vượt ranh giới cho phép trên biển và 440 lượt tàu mất kết nối.

UBND tỉnh yêu cầu triển khai đợt cao điểm từ nay đến tháng 9/2025 về thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và tại các cảng cá, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác.

UBND cấp huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, không để công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy ảnh hưởng đến nhiệm vụ này. Hằng tuần, các địa phương gửi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện để UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu với tàu cá chưa đăng ký, hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác, các địa phương khẩn trương phối hợp Sở NN&MT hướng dẫn ngư dân hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp phép tàu cá theo quy định. Những trường hợp tàu cá cố tình chây ỳ không tuân thủ những quy định hiện hành, có toan tính, biểu hiện thực hiện hành vi vi phạm thì xem xét cấm biển vô thời hạn.

Với các tàu cá không đủ điều kiện đăng kiểm và tàu chưa hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp phép theo quy định, các địa phương lập danh sách quản lý, đưa về khu vực tập trung, niêm phong tàu cá, kiên quyết không cho xuất bến, có danh sách, hình ảnh chứng minh.

Với những tàu không có nhu cầu đăng ký, đăng kiểm, hay không đủ điều kiện hoạt động, tiến hành giải bản theo quy định và có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các chủ tàu nhằm bảo đảm sinh kế và thu nhập.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn/trạm biên phòng tuyệt đối không cho xuất bến với tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU (thiếu giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, thiết bị VMS); kiểm soát 100% tàu cá ra, vào trạm kiểm soát biên phòng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động tại các vùng biển bãi ngang trên địa bàn tỉnh.

Tại Kiên Giang, đã hoàn thành 100% công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp phép với tàu cá "3 không" và đưa vào quản lý. Các lực lượng thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác chống khai thác IUU, nhất là trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt tại vùng khơi giáp ranh Kiên Giang - Cà Mau và vùng biển chồng lấn.

Sở NN&MT đang đẩy mạnh đợt cao điểm rà soát mở rộng đối tượng có nguy cơ khai thác IUU, thành lập Đoàn công tác làm việc, vận động các chủ tàu có tàu cá hoạt động gần ranh giới với các nước trong khu vực không vượt ranh giới qua khai thác nước ngoài; kiên quyết xử lý hình sự các tàu cá vi phạm quy định của pháp luật.

Theo đại diện Sở NN&MT, các kết quả đạt được của tỉnh Kiên Giang sẽ đóng góp quan trọng vào việc Việt Nam sớm gỡ "thẻ vàng" EC. Việc thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EC, quản lý tốt tàu cá từ khâu đăng ký, đăng kiểm và cấp phép, cùng với giám sát chặt chẽ qua hệ thống VMS sẽ giúp ngừng tình trạng tàu cá mất kết nối và vượt ranh giới khai thác, hướng tới mục tiêu gỡ "thẻ vàng" trong đợt kiểm tra lần thứ 5.

Về các nhiệm vụ và giải pháp dài hạn, tỉnh sẽ điều chỉnh cơ cấu ngành thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng khai thác, tăng tỷ trọng nuôi trồng, đặc biệt tập trung phát triển nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi công nghệ cao và đẩy mạnh nuôi biển. Mục tiêu là phát triển hài hòa, bền vững giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm khoảng 2.550 tàu cá, đưa tổng số tàu khai thác còn khoảng 9.219 chiếc, nhằm cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản theo hướng bền vững. Xây dựng triển khai hiệu quả đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân có tàu cá bị cắt giảm hoặc chuyển đổi nghề, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế và nghề nghiệp mới.

Đọc thêm