Cả nghìn hồ sơ chuyển trả do chờ giá
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tiền Giang, chỉ trong tháng 8, toàn tỉnh có 1.213 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất ở, cấp giấy lần đầu và chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thể giải quyết do cơ quan thuế chuyển trả với lý do chờ giá đất mới. Cơ quan thuế chỉ giải quyết những hồ sơ chuyển nhượng có giá trị trên hợp đồng cao hơn giá (bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất).
Đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Tiền Giang cho biết, theo khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024 thì bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định Luật Đất đai năm 2013 tiếp tục được áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, các ngành chức năng và địa phương dừng giải quyết hồ sơ do chờ bảng giá đất điều chỉnh là không phù hợp vì bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 còn hiệu lực. Theo đó, người dân đến nộp hồ sơ trong giai đoạn này thì phải được tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Theo khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Tiền Giang, Chi nhánh VPĐKĐĐ thị xã Cai Lậy đang tạm ngưng việc viết phiếu chuyển thông tin địa chính đối với hồ sơ chuyển mục đích và ngưng in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại huyện Tân Phước và thị xã Cai Lậy, người dân có nhu cầu chuyển mục đích sang đất ở đều được hướng dẫn về UBND cấp xã đăng ký với lý do là chỉ tiêu đất ở theo kế hoạch sử dụng đất năm 2024 không còn.
|
Một phần văn bản kiến nghị của HĐND tỉnh Tiền Giang về việc tháo gỡ vướng mắc thi hành luật Đất đai năm 2024. |
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Tiền Giang cho rằng, điều này là chưa phù hợp. Tại khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “Căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Nghĩa là việc đăng ký chuyển mục đích sử dụng sang đất ở không đề cập đến chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất năm của huyện mà phải theo quy hoạch sử dụng đất.
Nguy cơ quá tải hồ sơ
Tính từ ngày 1/8 - 26/8/2024, Phòng TN&MT TP Mỹ Tho thống kê đã có 203 hồ sơ chuyển trả vì chờ giá. Trong khi đó, đơn vị chỉ có 4 chuyên viên phụ trách đất đai, gồm: 1 chuyên viên tiếp nhận hồ sơ, 1 chuyên viên về bồi thường giải toả, 1 chuyên viên giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và 1 người thẩm định hồ sơ chuyển mục đích.
|
Phòng TN&MT TP Mỹ Tho. Ảnh: Kim Ngân |
Nếu để việc tồn đọng hồ sơ trong thời gian chờ giá kéo dài, lượng hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất tăng quá cao và nhân lực tại một số Phòng TN&MT sẽ trở nên quá tải. Đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện Luật Đất đai mới, công việc ngày càng nhiều.
Thêm nữa, việc phân quyền thực hiện trên hệ thống tiếp nhận thủ tục hành chính một cửa cũng chưa đáp ứng được yêu cầu; các điều kiện về con người và thiết bị thuộc Phòng TN&MT cấp huyện chưa đảm bảo. Sự phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính giữa Chi nhánh VPĐKĐĐ và Phòng TN&MT tại một số địa phương cũng trong giai đoạn cần phải điều chỉnh thêm.
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc và các nguyên nhân được chỉ ra như trên, HĐND tỉnh Tiền Giang kiến nghị UBND tỉnh nhanh chóng tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai của người dân trong khi chờ ban hành bộ thủ tục và quy trình mới nhằm phù hợp với Luật Đất đai năm 2024; tránh ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, quyền lợi chính đáng của người dân.