Trong thời gian qua, mặc dù công tác xây dựng, ban hành VBQPPL đã đạt được nhiều tiến bộ về nội dung và chất lượng theo Bộ Tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải tiếp tục khắc phục như: chất lượng của một số VBQPPL được ban hành còn thấp; tình trạng xung đột, chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản vẫn xảy ra; hệ thống VBQPPL nhìn chung còn tương đối cồng kềnh…
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế cho công tác xây dựng pháp luật đến công tác chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên, liên tục đối với hoạt động xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ luôn xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Vì vậy, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên đối với công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chú trọng kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành VBQPPL nhằm kịp thời xử lý sai phạm trong trường hợp văn bản không bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc nội dung không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất.
Bên cạnh đó, tại các Phiên họp thường kỳ Chính phủ, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng về công tác xây dựng pháp luật như: các bộ, cơ quan ngang bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; các bộ, cơ quan trình dự án luật phải chủ động, khẩn trương xây dựng, trình ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, không để khoảng trống pháp lý…
Đối với Bộ Tư pháp, sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được ban hành, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai tốt Luật và Nghị định. Đồng thời, nhằm tinh gọn hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng của các VBQPPL, Bộ Tư pháp thực hiện kiểm soát chất lượng ban hành VBQPPL thông qua công tác thẩm định, kiểm tra VBQPPL; theo dõi chặt chẽ các bộ, ngành trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nghiêm quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP trong việc ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao, hạn chế số lượng văn bản quy định chi tiết; đồng thời, thực hiện có hiệu quả quy định về việc soạn thảo, ban hành một văn bản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều VBQPPL.
Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan thường xuyên rà soát các VBQPPL để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ khi phát hiện những văn bản sai phạm, thiếu tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho những người trực tiếp làm công tác xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định của các bộ, ngành, địa phương.
Với mục tiêu xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, gọn nhẹ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, trong thời gian tới, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, tham mưu chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành VBQPPL, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật và tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật năm 2015 thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu cải tiến quy trình tổ chức thẩm định, nâng cao chất lượng thẩm định, kiên quyết không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án, dự thảo VBQPPL không cần thiết ban hành, không bảo đảm chất lượng; xây dựng cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, soạn thảo, thẩm định các dự án, dự thảo VBQPPL.
Tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm tra VBQPPL nhằm kiểm soát chặt hơn tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của VBQPPL, đặc biệt là thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ để kịp thời bãi bỏ các văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong việc bảo đảm nguồn nhân lực, kinh phí đối với công tác xây dựng VBQPPL để bảo đảm phù hợp với những yêu cầu mới và ngày càng cao của công tác này.
Cùng đó, hiện đại hoá phương thức và phương tiện xây dựng pháp luật; khai thác, ứng dụng tối đa thành tựu của khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp, tiến độ, chất lượng và hiệu quả xây dựng pháp luật. Tăng cường hơn nữa việc áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình xây dựng văn bản để tổ chức, cá nhân có thể tham gia ý kiến trực tiếp, phản biện trong quá trình soạn thảo VBQPPL.