Bác sỹ Đỗ Thị Thu Thủy - Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hải Phòng- khẳng định, nếu phát hiện chính xác cán bộ nào có biểu hiện vòi vĩnh, gây khó khăn cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh… tùy thuộc mức độ, hành vi sẽ xem xét xử lý, kỷ luật.
Phổ biến sâu rộng cuộc vận động ngành y
Hưởng ứng cuộc vận động thực hiện “Quy tắc ứng xử trong ngành y”, cán bộ chủ chốt tại bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã xây dựng cho đơn vị mình một kế hoạch riêng phù hợp với đặc thù công việc từng khoa, phòng. Ban Giám đốc bệnh viện xác định, để tất cả các cán bộ đều “nói không với phong bì” là vô cùng khó nhưng là việc cần làm, phải làm từng bước một mới có hiệu quả. Vì vậy, Ban Giám đốc luôn thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động tại các khoa, phòng.
Trung bình một năm, bệnh viện Phụ sản Hải Phòng khám và điều trị cho hàng chục ngàn bệnh nhân, hơn 19 ngàn ca đẻ và thực hiện hơn 10 ngàn ca phẫu thuật, đặc biệt đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng qua cơn hiểm nghèo. Bệnh viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản không chỉ cho phụ nữ TP Hải Phòng mà còn cho phụ nữ một số tỉnh miền Duyên hải Bắc Bộ. Số lượng bệnh nhân đông, cơ sở vật chất còn hạn chế, trang thiết bị xuống cấp và nhiều khó khăn khác đã làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ, đôi khi dẫn đến tình trạng quá tải.
Vì vậy, để tiếp nhận những ý kiến phản ánh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, bệnh viện đã đặt nhiều hòm thư góp ý và công khai số điện thoại nóng tại các phòng khoa, đồng thời phát phiếu đóng góp ý kiến kèm theo phong bì có dán sẵn tem cho mỗi bệnh nhân xuất viện với mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp khách quan nhất. Hàng tuần, bệnh viện còn thường xuyên tổ chức họp hội đồng người bệnh để tiếp nhận các ý kiến phản ánh, đóng góp của bệnh nhân kịp thời nhất đang điều trị tại bệnh viện.
Ông Lê Thanh Sơn - Trưởng phòng hành chính Bệnh viện - cho biết:“Để kiểm soát chặt chẽ và đẩy lùi tiêu cực trong công tác khám, chữa bệnh, bệnh viện đã lắp 07 camera tại các vị trí cụ thể như: Phòng đón tiếp bệnh nhân, bộ phận thanh toán tiền viện phí, cửa khu vực siêu âm, khoa đỡ đẻ và khoa gây mê hồi sức...”. Lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cũng đánh giá, đây là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp kiểm soát an ninh trật tự trong bệnh viện, cũng như việc giao tiếp của nhân viên y tế với người nhà bệnh nhân.
“Con sâu bỏ rầu nồi canh”?
Khi trao đổi với phóng viên, nhiều bệnh nhân phàn nàn rằng, phương châm “lương y như từ mẫu” giờ có lẽ chỉ còn là khẩu hiệu, thực chất thì… khác lắm rồi. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các bác sỹ cùng những nhà quản lý y tế cho rằng người bệnh cũng cần thông cảm, chia sẻ những khó khăn với ngành y tế và cần hợp tác trong khâu khám chữa bệnh để giảm bớt tiêu cực.
Cán bộ y tế có một trọng trách vô cùng lớn, nắm trong tay sức khỏe, sinh mạng của người bệnh. Điểm mâu thuẫn là khi giao phó hoàn toàn sức khỏe và sinh mạng cho bác sỹ và bệnh viện, người bệnh luôn băn khoăn không biết mình được chăm sóc đã tốt hay chưa?! “Hầu hết người bệnh quan niệm rằng: phải đưa phong bì mới được hưởng chất lượng dịch vụ tốt. Nhiều bệnh nhân đến sau nhưng muốn được khám trước, muốn được ưu tiên. Đây cũng là lí do chính, tạo thành “lối mòn” trong suy nghĩ và là động cơ đưa phong bì của người bệnh”- bà Thủy nhận định. Chia sẻ với phóng viên, nhiều y, bác sỹ cho biết, công việc của họ quá căng thẳng và mất nhiều thời gian đào tạo trong khi chế độ đãi ngộ còn chưa thỏa đáng, chỉ đứng thứ 16/18 ngành nghề.
Nhìn thẳng vào vấn nạn phong bì hiện nay, Ban Giám đốc Bệnh viện Phụ sản khẳng định: “Thực tế, sẽ có một số rất ít cá nhân lợi dụng quyền hạn, chức vụ của mình để “đòi hỏi” gia đình bệnh nhân. Đó là những con sâu trong ngành y tế. Trách nhiệm chúng ta phải loại bỏ những con sâu đó. Tất cả các cán bộ y tế đều mang thẻ khi làm nhiệm vụ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn bệnh nhân và người nhà khi góp ý cần chỉ rõ những “con sâu” tên là gì, công tác ở khoa phòng nào để có cơ sở kỷ luật thích đáng”.
Từ ngày 15/12/2011, Nghị định 96/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám, chữa bệnh được Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực. Trong đó, hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh những chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 15 – 20 triệu đồng, sẽ là cơ sở tốt giúp loại bỏ những “con sâu” đó.
Minh Tuệ