Kiện toàn tổ chức, bộ máy: Phải làm tốt công tác quy hoạch cán bộ

(PLVN) - Sáng nay (21/4), tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học “Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”.
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, trong hơn 30 năm đổi mới, bên cạnh những kết quả đã đạt được, mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ, nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Thực trạng tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nói chung và cấp tỉnh, cấp huyện nói riêng trong giai đoạn hiện nay cũng đang bộc lộ những khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được như mong muốn đối với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong khi đó, công tác xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện mặc dù được đề cập trong một số văn bản hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam nhưng vẫn chưa được cụ thể, thống nhất, nên dẫn đến trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện ở các địa phương gặp nhiều khó khăn.

“Điều đó đòi hỏi MTTQ Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp gắn với đổi mới nội dung và phương thức hoạt động sao cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới, phù hợp với bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của địa phương”, ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, PGS.TS Trần Hậu, nguyên Giám đốc Trung tâm công tác lý luận UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cấp tỉnh là cấp chịu trách nhiệm cụ thể hóa đường lối của Trung ương vào thực hiện tại phạm vi địa phương, làm cho địa phương phát triển theo đường lối của Trung ương trên khả năng, điều kiện của địa phương mình. Vậy nên bộ máy và cán bộ MTTQ cấp tỉnh phải được kiện toàn theo yêu cầu, bảo đảm tầm chiến lược phát triển của địa phương. Đầu mối trong bộ máy cơ quan và đội ngũ cán bộ đều phải căn cứ vào yêu cầu đó. Mỗi địa phương có đặc điểm riêng về cơ cấu xã hội nhưng thực hiện chức năng chung của MTTQ Việt Nam, bộ máy và cán bộ phải ổn định, có hệ thống và tổng hợp cao.

Còn cấp huyện là cầu nối giữa cấp chiến lược địa phương (cấp tỉnh) với cấp hành động ở cơ sở (cấp xã). Do đó, cấp huyện nên kiện toàn bộ máy, cán bộ theo hướng hành động cụ thể, gọn nhẹ và năng động, đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe và trẻ hóa về độ tuổi.

Đề cập đến những vướng mắc trong triển khai công tác Mặt trận giai đoạn hiện nay khi yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, càng nhiều, càng gấp mà bộ máy tổ chức cán bộ ngày càng tinh gọn và thu hẹp, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh Lê Đức Kỳ cho rằng, việc đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện phải gắn với chức năng, nhiệm vụ chính trị của cơ quan; đồng thời cần chuẩn bị chu đáo, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt; có kế hoạch chăm lo công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Trên cơ sở đó có đủ nguồn cán bộ để bố trí, sắp xếp vào các vị trí một cách hợp lý và thường xuyên, đáp ứng chức năng đổi mới đội ngũ cán bộ.

Đối với việc thực hiện thí điểm mô hình Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam cần có đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và quyết định việc tổ chức thực hiện mô hình thí điểm trên trong thời gian tiếp theo như thế nào để phù hợp với thực tế./.

Đọc thêm