Trong Thông cáo báo chí phát ra ngày 4/5, Ngân hàng Kiên Long cho biết, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 của ngân hàng tổ chức hôm 29/4 với sự tham dự của cổ đông đại diện cho 288.442.065 cổ phần, tương ứng với 90,17 % số cổ phần có quyền biểu quyết.
Cổ đông bỏ phiếu biểu quyết tại ĐHĐCĐ Ngân hàng Kiên Long. |
ĐHĐCĐ đã thống nhất thông qua các báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020 và định hướng kinh doanh năm 2021; phương án phân phối lợi nhuận năm 2020; phương án tăng vốn điều lệ năm 2021; bổ sung tên viết tắt bằng tiếng Anh và sửa đổi, bổ sung điều lệ Ngân hàng Kiên Long; miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2018 - 2022; và một số nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản Ngân hàng Kiên Long đạt 57.282 tỷ đồng (tăng 12,09% so với năm 2019); tổng nguồn vốn huy động đạt 52.071 tỷ đồng (tăng 12,22%); dư nợ cấp tín dụng đạt 34.716 tỷ đồng (tăng 3,69%); lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 158,21 tỷ đồng (tăng 84,14%). Các chỉ số an toàn hoạt động luôn đảm bảo giới hạn và thực hiện theo đúng quy định của NHNN.
Bà Trần Tuấn Anh – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng Kiên Long - cho biết, đến ngày 31/3/2021, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Kiên Long là 1,19%, giảm 3,22% so với tỷ lệ nợ xấu ngày 31/12/2020. Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng là 509 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lãi phải thu từ hoạt động tín dụng /tổng tài sản là 0,82% và tỷ lệ lãi phải thu từ hoạt động tín dụng /tổng dư nợ là 1,42%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng Kiên Long đạt 702,62 tỷ đồng.
Theo bà Trần Tuấn Anh, nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng cao là do trong quý I/2021 Ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) theo Phương án cơ cấu lại Ngân hàng Kiên Long gắn với xử lý nợ xấu đã được NHNN phê duyệt...
Với kết quả đạt được trong năm 2020, ĐHĐCĐ đã thống nhất thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 3.236.957.960.000 đồng lên 3.652.822.490.000 đồng dưới hình thức tăng vốn là phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 13% .
Toàn bộ phần vốn tăng từ phát hành cổ phiếu được dự kiến sử dụng cho việc đầu tư tài sản cố định, hệ thống công nghệ thông tin, trang bị cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và bổ sung nguồn vốn đầu tư kinh doanh sinh lời của Ngân hàng Kiên Long.
Với những chiến lược và mục tiêu kinh doanh nhằm đẩy mạnh phát triển ngân hàng số theo định hướng của Ngân hàng Kiên Long giai đoạn 2021 – 2025, Ngân hàng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro; gia tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng; nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi. ĐHĐCĐ đã thống nhất chỉ tiêu kế hoạch hoạt động của Ngân hàng Kiên Long trong năm 2021,
Cụ thể: Tổng tài sản hợp nhất là 66.800 tỷ đồng (tăng 16,62%); tổng nguồn vốn huy động là 59.400 tỷ đồng (tăng 14,08%); tổng dư nợ cấp tín dụng là 44.600 tỷ đồng (tăng 28,47%); lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.000 tỷ đồng; mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước là 152 điểm giao dịch (tăng 18 đơn vị), phát triển thêm kênh phân phối để tăng năng lực phục vụ khách hàng và hiệu quả hoạt động. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 17% (Kế hoạch tăng trưởng tín dụng, Kế hoạch phát triển mạng lưới, Kế họach chia cổ tức: Thực hiện theo phê duyệt của NHNN Việt Nam và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).
Đại hội sự tham dự của cổ đông đại diện cho 288.442.065 cổ phần, tương ứng với 90,17 % số cổ phần có quyền biểu quyết. |
Một nội dung quan trọng trong kế hoạch đại hội là ĐHĐCĐ đã thống nhất thông qua Tờ trình về việc bổ sung tên viết tắt bằng tiếng Anh và sửa đổi bổ sung điều lệ của Ngân hàng Kiên Long.
Theo đó, ĐHĐCĐ bổ sung/thêm tên viết tắt bằng tiếng Anh là KSBank. Tên viết tắt bằng tiếng Anh của Ngân hàng Kiên Long sau bổ sung gồm: Kienlongbank và/hoặc KSBank.
Mục đích của việc này là nhằm thực hiện định hướng đưa Ngân hàng Kiên Long ngày càng phát triển lớn mạnh theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa và tiến đến hoàn tất xây dựng ngân hàng số theo định hướng của Ngân hàng,
Việc bổ sung tên gọi mới nhằm truyền tải thông điệp rõ ràng về tầm nhìn và sứ mệnh chiến lược giai đoạn mới với những ý nghĩa như sau: Là một trong những ngân hàng cung cấp dịch vụ tốt nhất trên nền tảng số, được khách hàng ưu tiên lựa chọn cho mọi nhu cầu tài chính, là định chế tài chính hàng đầu mang khát vọng cho một Việt Nam cường thịnh; là đối tác tài chính tin cậy và thân thiết nhất của khách hàng bằng các giải pháp tư vấn linh hoạt, bằng bản lĩnh đồng hành, năng lực đổi mới và kiến tạo nên những hệ sinh thái kết nối giá trị dựa trên nền tảng số tiên tiến; góp phần đưa hình ảnh Ngân hàng Kiên Long đến gần hơn với khách hàng, đồng thời thể hiện Ngân hàng Kiên Long sẵn sàng thay đổi để phát triển.
ĐHĐCĐ đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2022 đối với ông Lê Khắc Gia Bảo. Phân công bà Trần Thị Thu Hằng phụ trách hoạt động của HĐQT từ ngày 03/5/2021 đến hết ngày 25/5/2021 và sẽ giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long kể từ ngày 26/5/2021.
Ngày 03/5/2021, tại cuộc họp HĐQT, các thành viên HĐQT đã thông qua việc thôi giữ chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Hồng Phương kể từ ngày 03/5/2021, thông qua Đơn từ nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2022 của ông Lê Hồng Phương theo nguyện vọng cá nhân và sẽ trình ĐHĐCĐ tại phiên họp gần nhất để biểu quyết thông qua;
HĐQT thống nhất phân công bà Trần Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT, giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách hoạt động HĐQT Ngân hàng Kiên Long từ ngày 03/5/2021 đến hết ngày 25/5/2021. HĐQT thống nhất bầu bà Trần Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long nhiệm kỳ 2018 – 2022 kể từ ngày 26/5/2021.