Kinh doanh chuỗi: Nhanh chưa chắc đã thắng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều doanh nghiệp đổ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng vào việc mở các chuỗi cửa hàng với mong muốn đánh nhanh, thắng nhanh nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam rất khốc liệt.
Một chuỗi cửa hàng liên tục được mở rộng ở Việt Nam.
Một chuỗi cửa hàng liên tục được mở rộng ở Việt Nam.

Gọi vốn được trăm tỷ vẫn “chết”

Thực tế, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã vào Việt Nam ầm ĩ và sau đó ra đi lặng lẽ - xảy ra tương đối nhiều. Ví dụ, Lotteria chỉ mất khoảng 20 năm, thương hiệu này đã có 900 cửa hàng ở Hàn Quốc nhưng cũng chừng ấy năm, chỉ có hơn 250 cửa hàng mang tên thương hiệu này ở Việt Nam. Hoặc Starbuck, trong khoảng hơn 20 năm xuất hiện ở Thái Lan, đã có được khoảng 350 cửa hàng, tính trung bình hàng năm, thương hiệu này có thêm 15-16 cửa hàng. Thế nhưng khi tới Việt Nam, sau khoảng 10 năm, Starbuck mới có khoảng 80 điểm bán. Vì sao thực tế lại khó “nhằn” như vậy?

Trao đổi với PLVN, một CEO phát triển chuỗi cửa hàng nông sản cho biết, thị trường Việt Nam khó để nắm bắt, giữa thị trường miền Bắc và miền Nam đã có sự khác nhau. Vì thế, một thương hiệu thành công ở thị trường miền Nam không có nghĩa sẽ chinh phục dễ dàng người tiêu dung ở thị trường miền Bắc. Do đó, một số nhà đầu tư nước ngoài như những dẫn chứng nói trên sẽ cảm thấy khó khăn trong việc đứng vững ở thị trường Việt Nam.

Hiện, kinh doanh theo chuỗi có 2 hình thức, gồm nhượng quyền và tự phát triển. “Nhượng quyền thì nguồn vốn huy động rộng rãi hơn, sẽ dễ phát triển hơn nhưng việc phát triển chuỗi cửa hàng nhượng quyền ở Việt Nam không dễ, vì thế việc tự phát triển chuỗi cửa hàng lại càng khó hơn và đòi hỏi nhiều nguồn lực đầu tư hơn”, vị CEO trên nói.

Vị này cũng nhắc đến ví dụ “dễ chết” nhất liên quan đến việc phát triển chuỗi. Đó là câu chuyện của chuỗi cửa hàng café The Kafe. Thương hiệu này phải đóng cửa hàng sau 3 năm hoạt động, kể từ khi gọi được dòng vốn trăm tỷ. Mở chuỗi một cách ồ ạt đôi khi lại chính là chiếc hố tự đào, khiến việc kinh doanh trở thành trào lưu. Đối với The Kafe, “điểm chết” kinh doanh nằm ở tốc độ mở quá nhanh so với nguồn lực.

Đó chỉ là những ví dụ cho thấy phát triển chuỗi café không đơn giản, ngoại trừ một số thương hiệu có sự đầu tư cẩn thận cùng sự phát triển “chậm mà chắc” của loại hình kinh doanh theo chuỗi.

Thực tế, kinh doanh chuỗi café đồ uống đã khó, mở hàng loạt chuỗi cửa hàng về nông sản lại càng khó hơn, đòi hỏi người chủ của doanh nghiệp phải thật sự “chín”, khi có nguồn hàng ổn định và lượng khách hàng đủ mới tung ra hàng loạt cửa hàng.

Phải “đo lường” tâm lý người tiêu dùng

Khoảng giữa năm 2021, một thương hiệu khá mới của Việt Nam đã đồng loạt khai trương hàng trăm, thậm chí đã có thể đạt đến ngưỡng 1.000 cửa hàng tiện ích trên toàn quốc. Tổng giám đốc của chuỗi siêu thị này cho biết, nguồn hàng không phải là vấn đề lớn với chuỗi siêu thị tiện tích của Công ty, vấn đề chỉ là tìm mặt bằng. Do đó, với nguồn lực của mình, Công ty đã phát triển hàng trăm siêu thị, trong đó bao gồm cả việc kết hợp với các cửa hàng tạp hóa sẵn có, để mở rộng điểm bán.

Tuy nhiên, theo một chủ cửa hàng của chuỗi siêu thị này (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), kể từ khi mở cửa rất ít người tìm đến mua. Thậm chí, có những ngày chỉ 1-2 người ghé vào tìm mua. Một chủ cửa hàng khác cũng của chuỗi siêu thị này ở Việt Trì (Phú Thọ) cũng cho biết, hầu như tìm được lượng khách mua lần thứ 2 rất ít, dù hồi đầu cửa hàng mới khai trương cũng khá đông khách đến do họ tò mò. Cả 2 chủ cửa hàng này đều cho biết, nếu cứ tiếp tục vắng khách như thời gian qua thì không biết công ty sẽ duy trì điểm bán được bao lâu.

Không chỉ chuỗi siêu thị này, thời gian gần đây, các cửa hàng nông sản cũng liên tục lên kế hoạch mở thêm các điểm bán, phát triển chuỗi kinh doanh. Rất nhiều cửa hàng có uy tín thông báo về việc hợp tác mở thêm các cửa hàng của mình ở ngoại thành Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phía Bắc. Nhưng bài học về việc ồ ạt mở cửa và lặng lẽ đóng cửa đã và vẫn xảy ra khá nhiều…

Ông Nguyễn Phan Anh, chuyên gia marketing online - cho rằng, khi phát triển chuỗi bao giờ cũng kéo theo gánh nặng về tài chính nhưng không phải cứ mạnh tay xuống tiền là thành công. Bởi ngoài việc đã có sẵn nguồn tiền và chủ doanh nghiệp đã tính toán đến các khả năng thu hồi vốn, các kịch bản bán hàng và các chương trình marketing quảng bá, thậm chí cả việc đóng cửa hàng nếu như tình hình kinh doanh thua lỗ kéo dài… thì các nhà đầu tư đặc biệt cần lưu ý đến vấn đề yếu tố địa phương.

Theo ông Phan Anh, việc các điểm bán quan tâm đến yếu tố văn hóa kiểu văn hóa bản địa, yếu tố địa phương khi phát triển chuỗi kinh doanh rất quan trọng bởi người tiêu dùng mua hàng và trung thành với thương hiệu hay không bắt nguồn từ “cảm tình” của khách hàng với thương hiệu ấy. Đôi khi chỉ vì cảm tình với một mặt hàng nhất định mà người tiêu dùng sẽ tìm hiểu dần các mặt hàng khác và gắn bó với thương hiệu.

Đọc thêm