Theo thống kê của UBTPQH đa số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung 1 điều luật mới về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua.
Một số ý kiến đề nghị không bổ sung Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp vào BLHS.
Theo quan điểm của UBTVQH, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn. Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Phát biểu quan điểm về quy định này, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nói: Thời gian qua, nhiều đối tượng kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, khiến dư luận bất an. Thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ án lừa đảo tiền lớn. Theo bà, để phòng ngừa, cần quy định bổ sung loại tội phạm này.
Tuy nhiên, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng trong phương thức kinh doanh đa cấp, người đứng đầu là người tổ chức, do vậy, cần thiết kế các quy định xử lý nghiêm người đứng đầu.
Hệ thống kinh doanh đa cấp có nhiều mạng lưới, nhiều người tham gia. Những người trong số này đều chỉ ăn hoa hồng, thậm chí có người bị lừa mà buộc phải tham gia mạng lưới. Nếu xử lý tất cả những người này sẽ rất khó khăn. Do đó, theo đề xuất của bà, Luật nên quy định bên cạnh việc xử lý người đứng đầu thì chỉ xử lý những người tham gia mạng lưới khi những người này tham gia với vai trò đồng phạm với người chủ mưu.