Kinh doanh thua lỗ, nợ xấu VietCredit tăng tới 65% so với đầu năm

Hoạt động kinh doanh suy giảm, cùng với chi phí dự phòng tăng mạnh khiến VietCredit lỗ ròng hơn 62 tỷ đồng trong quý III, nâng mức lỗ từ đầu năm nay lên hơn 136 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ xấu của công ty tài chính này cũng tăng 65% so với đầu năm lên hơn 868 tỷ đồng.

Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit, TIN) – một trong hai công ty tài chính giao dịch trên thị trường chứng khoán – vừa công bố báo cáo tài chính quý III với gam màu không mấy tích cực.

Kết thúc quý 3, thu nhập lãi thuần của VietCredit giảm 16% so với cùng kỳ, còn gần 273 tỷ đồng và lỗ thuần dịch vụ hơn 1 tỷ đồng. Lợi nhuận từ các mảng khác, như chứng khoán kinh doanh hay hoạt động khác, có sự tăng trưởng, nhưng không đủ đề bù đắp cho mức giảm từ hoạt động chính.

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty tài chính này trong quý III giảm 20% cùng kỳ, xuống còn hơn 144 tỷ đồng.

Việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng lên gần 207 tỷ đồng, tăng 60% so cùng kỳ, khiến VietCredit báo lỗ ròng hơn 62 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình gửi HNX, công ty cho biết nguyên nhân tăng chi phí trích lập dự phòng do ảnh hưởng việc phân loại nợ kéo theo từ các tổ chức tín dụng khác sau khi cập nhật CIC. “Mặc dù đa số khách hàng vẫn trả nợ cho VietCredit nhưng Công ty phải tuân thủ việc phân loại nợ và trích lập dự phòng theo quy định của NHNN”, văn bản giải trình viết.

Khoản lỗ tăng mạnh trong quý III kéo con số lỗ từ đầu năm nay của VietCredit lên hơn 136 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân vẫn là sự suy giảm của hoạt động kinh doanh chính, trong khi trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh.

Thu nhập lãi thuần của công ty tài chính này trong 9 tháng ghi nhận hơn 760 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng giai đoạn của năm 2022. Lãi từ dịch vụ và hoạt động khác khởi sắc nhưng không giúp kết quả kinh doanh chung khả quan hơn. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của VietCredit giảm 23%, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gần 20%.

Tính đến cuối quý 3/2023, tổng tài sản của VietCredit đạt hơn 6.472 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 8%, còn hơn 3.800 tỷ đồng.

Về nguồn vốn huy động, tiền gửi của khách hàng (chủ yếu là tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong nước) và phát hành giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi) lần lượt giảm 20% và 31% so với đầu năm, xuống còn 336 tỷ đồng và 2.534 tỷ đồng.

Trong khi hoạt động chính gặp khó, việc quản trị rủi ro của công ty này cũng gặp nhiều ảnh hưởng.

Tính tới cuối quý III, quy mô nợ xấu của VietCredit ghi nhận hơn 860 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) có mức tăng mạnh nhất, gấp 2,3 lần đầu năm, lên gần 538 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) cũng tăng 28% lên gần 300 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng giảm trong khi quy mô nợ xấu (nợ nhóm 3-5) tăng cao khiến tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính này tăng từ 11,9% ở thời điểm đầu năm lên hơn 20,4% tại thời điểm kết thúc quý III.

Đọc thêm