Nói về Bình Dương, có rất nhiều cái nhất. Đây là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ giao thương với TP HCM, nằm tiếp giáp “thủ phủ công nghiệp” Đồng Nai. Bình Dương có diện tích tự nhiên tương đối nhỏ so với các tỉnh, thành, chỉ 2,7 nghìn km2 (xếp thứ 44/63); nhưng dân số trên 2,82 triệu người (đứng thứ 6/63); lực lượng lao động chiếm 64% dân số (trong khi bình quân cả nước là 53%).
Tỉnh có địa hình tương đối bằng phẳng, cao, đất đai màu mỡ, hệ thống sông và tài nguyên thiên nhiên phong phú; khí hậu tương đối ổn định, hầu như không có bão, lũ lụt.
Từ những đặc điểm về tự nhiên và dân số như trên, Bình Dương đã có những sáng tạo đột phá, là nơi đầu tiên xây dựng khu công nghiệp VSIP, nay là một trong những điển hình kiểu mẫu về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư của Việt Nam. Bình Dương là trung tâm công nghiệp lớn với 30 khu công nghiệp (diện tích trên 12,6 nghìn ha), 12 cụm công nghiệp (gần 800ha).
Tỉnh tập trung triển khai đầu tư các khu công nghiệp thế hệ mới, hướng đến sản xuất thông minh, sản xuất xanh theo quy hoạch. Hình thành các khu công nghệ thông tin tập trung và Khu khoa học công nghệ trong TP mới Bình Dương với quy mô 220ha. Tỉnh luôn duy trì vị thế trong nhóm 3 tỉnh, thành thu hút FDI tốt nhất cả nước. Đến 31/8/2024, tổng vốn FDI đăng ký tại Bình Dương là hơn 41,8 tỷ USD.
Toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3/38 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh đã xây dựng 52.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tương đương 2,6 triệu m2 sàn; có chủ trương đầu tư mới 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 6.000 căn hộ. Đặc biệt, từ 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Trung ương.
Tại cuộc làm việc, nhấn mạnh “có nhiều ấn tượng, niềm vui, hạnh phúc và tự hào về những kết quả của Bình Dương”, Thủ tướng cũng lưu ý Bình Dương cần phát huy những tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, hội tụ nhiều yếu tố, để phát triển mạnh hơn nữa. Thủ tướng lưu ý một số bài học kinh nghiệm quan trọng từ thực tiễn của Bình Dương, cần làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Trong đó có quán triệt, triển khai sáng tạo, có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vận dụng vào điều kiện thực tiễn của địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới, các DN dân tộc.
Tiếp đó là nắm chắc tình hình thế giới, khu vực và trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, vì Bình Dương hội nhập mạnh mẽ và có vai trò liên kết vùng, quốc gia, quốc tế quan trọng.
Một kinh nghiệm quan trọng nữa, là làm việc trọng tâm, trọng điểm, đầu tư không dàn trải. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Từ những cánh đồng hoang khô cằn, Bình Dương nay có mật độ đô thị hóa cao nhất cả nước với 5 TP trực thuộc, tỉ lệ đô thị hóa 84%, tiếp tục quy hoạch và triển khai đầu tư, phát triển hệ thống đô thị mới, theo mô hình đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).
Nhìn lại những thành tựu, sự sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Bình Dương, để thấy rằng kỳ vọng địa phương này sẽ trở thành đô thị loại I, TP trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo hướng TP thông minh, nhất định sẽ đạt được.