Muốn luật được thực thi tốt, dân phải hiểu và chấp hành
Trung tá Nam là người con của miền quê huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An). Với mong muốn khoác trên mình màu áo xanh người lính Cụ Hồ, chàng trai quê Bác càng có cơ hội phát triển đam mê, nhiệt huyết của mình trong môi trường quân đội. Năm 2003 anh là Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn Biên phòng (ĐBP) Tà Lọt (nay là ĐBP Thạnh Trị), đến 2006 là Trạm trưởng Trạm Biên phòng Giăng Giơ, ĐBP Cửa khẩu Bình Hiệp.
Trung tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (BĐBP tỉnh Long An). |
Thời điểm ấy, chuyên môn của anh là về quân sự, hoạt động nhiều trong công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc. Trong những lần thực hiện nhiệm vụ, anh và đồng đội thường xuyên phát hiện, bắt gặp người dân khu vực biên giới vi phạm pháp luật. Từ thực tế đó, anh luôn băn khoăn là tại sao công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) triển khai nhiều mà một số người dân không tiếp thu nhiều? Tại sao một số người dân biết luật nhưng lại không hiểu luật để chấp hành? Việc tuyên truyền cho dân hiểu pháp luật khó ra sao?...
Những nỗi niềm này ngày càng lớn, cùng với ý thức trách nhiệm và nhiệt huyết đã khiến anh chủ động tìm hiểu, tham mưu thay đổi những phương pháp, hình thức tuyên truyền hay, có hiệu quả để dân nắm, dân thực thi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà anh “bén duyên” sang làm chính trị viên.
Anh Nam cho hay luôn quan niệm muốn luật được thực thi tốt thì dân phải hiểu và chấp hành. Để dân hiểu và làm đúng luật thì công tác TTPBGDPL phải đạt được hiệu quả. Làm được điều này là cả một quá trình, nên những năm đầu thực hiện anh gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, lực lượng cán bộ còn mỏng, không có sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật, tất cả đều tuyên truyền bằng miệng. Nhưng chính các buổi gặp trực tiếp đó giúp các anh dễ tiếp cận người dân hơn, định hướng luồng thông tin cho dân để không bị đa chiều, khiến người dân nắm sâu và hiểu rõ hơn.
Ngoài những buổi tuyên truyền tập trung, Trung tá Nam đẩy mạnh tuyên truyền cơ sở, đi sâu nhỏ lẻ vào từng hộ dân, biến những cuộc đi địa bàn thành những buổi trao đổi về các điều luật. Từ những lần đi tuyên truyền nhỏ lẻ đã để lại cho anh nhiều kỷ niệm, đặc biệt là lần đi xuống cơ sở năm 2009 để tuyên truyền pháp luật, thế nhưng người dân lại đề nghị anh kể chuyện khác. Dù không được chuẩn bị trước, nhưng anh vẫn vui vẻ tiếp nhận yêu cầu, kể chuyện rồi khéo léo lồng ghép TTPBGDPL vào trong cuộc trò chuyện. Dần dần, điều này như một thói quen, cứ thấy nơi nào đông người là anh lại “sà” vào. Trung tá Nam cho rằng những lúc như thế nhiều khi lại “được việc”, công tác tuyên truyền được đưa vào cuộc sống như những câu chuyện đời thường.
Tuyên truyền nhỏ lẻ vào từng hộ dân luôn được Trung tá Nam và các cán bộ, chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp tập trung triển khai. |
Với phương châm ưu tiên tuyên truyền sâu vào từng hộ dân, trong đợt cao điểm bùng phát dịch COVID-19 năm 2021, ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt áp dụng hiệu quả mô hình “Tiếng loa Biên phòng”. Trung tá Nam cùng các cán bộ của Đồn không chỉ gắn loa trên ô tô để phát tại những khu vực rộng, đông dân cư; mà còn gắn loa lên các xe gắn máy, len lỏi các góc đường để đảm bảo người dân, kể cả những hộ dân ở vùng sâu, vùng xa nắm được đầy đủ thông tin. Từ đó, tích cực đấu tranh ngăn chặn thông tin sai lệch, làm tốt công tác định hướng dư luận, giáo dục, nâng cao nhận thức khu vực biên giới về công tác phòng chống dịch.
Trung tá Nam cũng làm tốt công tác tham mưu tuyên truyền pháp luật cho nhân dân theo Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021” bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền tập trung, nhỏ lẻ, cá biệt, lưu động, tuyên truyền qua hệ thống thông tin nội bộ, đài truyền thanh, mạng xã hội…
Muốn đưa luật vào cuộc sống, phải hiểu cuộc sống người dân thế nào
Trong công tác giảng dạy, Trung tá Nam cho biết, khi xây dựng giáo án, kế hoạch thì vẫn đầy đủ, nhưng khi lên lớp thì tập trung triển khai các nội dung liên quan trực tiếp đến các cán bộ, chiến sĩ để nắm ý chính nhưng vẫn đảm bảo mọi người biết hết các đề mục, mục tiêu, quan điểm. Tránh “nhồi nhét” nhiều nội dung cùng một lúc sẽ khiến các cán bộ, chiến sĩ không tiếp nhận đúng và đủ.
Trung tá Nam rất quan tâm đến đội vận động quần chúng, vì đây là lực lượng chuyên đi xuống dân để tuyên truyền. Một số thành viên trong đội là các sĩ quan trẻ, mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế nên anh luôn hướng cho các cán bộ chiến sĩ quan tâm tới dân, thường xuyên tiếp xúc với dân. Từ thực tế, các cán bộ, chiến sĩ mới nhìn nhận được vấn đề và chọn phương pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp.
Mô hình “Tiếng loa Biên phòng” được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp triển khai hiệu quả. |
Luôn xác định tuyên truyền theo hướng “đi sâu vào lòng người”, Trung tá Nam cho rằng muốn hiểu dân và tuyên truyền được thì phải chủ động, phải đi thực tế, phải lê la với dân kiểu 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào). Muốn đưa pháp luật vào cuộc sống thì phải hiểu cuộc sống người dân như thế nào, “đi xuống dân thì ai cũng là ba, là má”, càng gần gũi với dân thì càng dễ tiếp cận.
Trong tuyên truyền thì cần chia nhỏ nội dung, ưu tiên phổ biến các vấn đề hay gặp hoặc dự kiến có thể xảy ra tại địa bàn mình trước để người dân biết. Nhiều khi đi tuyên truyền, dân quý, dân thương mời ăn ở cùng nên hay tận dụng cơ hội lồng ghép các nội dung tuyên truyền với các câu chuyện thường ngày trong các bữa cơm, bữa trà để giúp người dân dễ tiếp nhận hơn và “ngấm” sâu hơn.
Để công tác tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả cao, Trung tá Nam yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ chủ động nghiên cứu, sáng tạo phương pháp học. Muốn tuyên truyền cho người khác thì bản thân các cán bộ, chiến sỹ phải hiểu luật, không vi phạm. Trong công tác tuyên truyền thì phải có “lớp lang”, không nên hành chính hóa, hiệu quả tuyên truyền sẽ không cao. Cần quan trọng thực chất hơn hình thức, việc tuyên truyền cần linh hoạt, tùy từng trường hợp mà áp dụng hình thức. Hiệu quả đạt được phải được như “vết dầu loang” để dân hiểu và tiếp cận thông tin chính thống dễ hơn.
Trung tá Nguyễn Văn Nam (ngoài cùng bên trái) được trao thưởng vì có thành tích xuất sắc trong năm 2021. |
Bên cạnh đó, Trung tá Nam cũng làm tốt công tác quán triệt, triển khai học tập và tổ chức thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ; Đẩy mạnh thực hiện các phong trào, mô hình đã phát động như: Phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; biên giới bình yên - nội biên vững mạnh; toàn dân tham gia phòng, chống dịch và xuất nhập cảnh trái phép; mỗi tuần một địa chỉ; mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án; mỗi ngày một điều luật… Từ đó, phát huy tốt hình ảnh người quân nhân cách mạng trong thực hiện nếp sống văn hóa, tích cực tham gia xây dựng địa phương nơi cư trú, địa bàn đóng quân, chuẩn mực trong tiếp xúc với nhân dân, gương mẫu trong mọi mặt đời sống.
Với những cố gắng và thành tích trong quá trình công tác, Trung tá Nam được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Long An, UBND Long An về các thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy; phòng chống dịch; đạt giải trong các cuộc thi Cán bộ giảng dạy chính trị giỏi, Báo cáo viên giỏi; thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Đề án TTGDPBPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 – 2021.
Gần đây nhất, Trung tá Nam được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy (Chuyên án LA1121); UBND tỉnh Long An tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2021.