Thể chế mở đường, nâng bước tăng trưởng
-Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của việc xây dựng một khung pháp lý đồng bộ, đột phá để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và đột phá trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo?
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã xóa bỏ mọi rào cản để đội ngũ doanh nhân phát triển, trong đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp “Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc”.
Thời gian vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã triển khai loạt bài viết chuyên đề về việc hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc. Qua theo dõi, tôi thấy đây là vấn đề thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà còn cả các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước… Có nhiều ý kiến xoay quanh chủ đề này, nhưng tựu trung lại, các ý kiến đều quan tâm đến khái niệm, hay nói cách khác là tiêu chí để xác định đâu là “doanh nghiệp dân tộc” và doanh nghiệp dân tộc có vai trò, trách nhiệm gì cũng như Nhà nước cần có cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp dân tộc?
Những câu hỏi, vấn đề đặt ra đó cho chúng ta thấy sự quan tâm, kỳ vọng của xã hội trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp dân tộc.
Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp ngày 07/11/2024, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra yêu cầu “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đồng thời việc xây dựng pháp luật cần phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam và thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm phải phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát, giải quyết vấn đề thực tiễn; thể chế hóa kịp thời những chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước mà Đảng đã đề ra, đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật phải tiên phong, mở đường cho đổi mới sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, nhất là “tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, từ đó, hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới”.
Ngày 27/12/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có Công điện số 140/CĐ-TTg về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Trong đó, nêu rõ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, coi đây là “đột phá của đột phá”, để tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới.
Thực hiện chỉ đạo này của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Bộ Tư pháp đã giao các đơn vị liên quan rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, nhất là những chính sách của Đảng, đảm bảo chủ trương, chính sách của Đảng được thể chế hóa đầy đủ, kịp thời.
Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Chính phủ đã có Kế hoạch triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, trong đó có nội dung về xây dựng, hoàn thiện pháp luật; cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp rất mong chờ, trong đó có chính sách, cơ chế để hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc. Với tư cách là chủ thể quan trọng của hoạt động kinh tế, việc có chính sách, pháp luật phù hợp mang tính đột phá để phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dân tộc là giải pháp hữu hiệu để khơi thông nguồn lực thu hút đầu tư như chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nhân đây, tôi cũng hoan nghênh và đánh giá cao việc Báo Pháp luật Việt Nam đã kịp thời triển khai và đăng tải tuyến bài về vấn đề “doanh nghiệp dân tộc”, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, thể hiện được vai trò của Báo Pháp luật Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, tờ báo đi đầu trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật.
Để trở thành doanh nghiệp dân tộc, phải có giá trị thương hiệu mạnh
Những dự án trọng điểm quốc gia như cảng hàng không, đường sắt tốc độ cao,... cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp dân tộc. (Ảnh minh họa: Đường sắt tốc độ cao do AI vẽ - Chinhphu.vn) |
-Ngày 09/1/2025, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam”. Ông có thể chia sẻ gì về kỳ vọng của mình với Tọa đàm này?
Thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Bộ Tư pháp về việc chủ động nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm này là hết sức cần thiết. Đây là vấn đề mới, do đó, Tọa đàm sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, chuyên gia pháp lý trao đổi về các khía cạnh liên quan về doanh nghiệp dân tộc. Tôi kỳ vọng Tọa đàm này sẽ làm rõ được khái niệm “doanh nghiệp dân tộc” tại Việt Nam cũng như tiêu chí nào để xác định doanh nghiệp dân tộc. Từ đó, đề xuất, gợi mở cho những người làm chính sách, pháp luật thông tin, cứ liệu để xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc cũng như xác định vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp dân tộc đối với đất nước.
-Theo ông, trong những vấn đề nêu trên, đâu là vấn đề quan trọng và tiêu chí cốt lõi để xác định một doanh nghiệp đủ điều kiện trở thành doanh nghiệp dân tộc?
Theo tôi, có lẽ việc làm rõ tiêu chí xác định doanh nghiệp dân tộc là vấn đề được quan tâm nhất.
Có nhiều tiêu chí để xác định đâu là một doanh nghiệp dân tộc và chắc chắn đây là chủ đề thu hút được sự quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến. Cá nhân tôi cho rằng, tiêu chí đầu tiên của doanh nghiệp dân tộc phải là tính đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và phải đạt quy mô nhất định.
Thứ hai là, phải có thương hiệu mạnh, được kiểm chứng của cộng đồng, đây chính là giá trị của doanh nghiệp. Để có được thương hiệu mạnh thì doanh nghiệp phải kinh doanh tốt, quản trị hiện đại, có uy tín trên thương trường, chấp hành tốt quy định pháp luật, có đóng góp cho cộng đồng,… Nói cách khác, một doanh nghiệp dân tộc bên cạnh mục tiêu kinh tế hợp pháp thì phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khi đó, lợi ích quốc gia, dân tộc cũng chính là lợi ích của doanh nghiệp. Ngoài ra, những doanh nghiệp này cũng cần thể hiện vai trò là dẫn dắt, tạo điều kiện, động lực để các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trưởng thành, như tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp mình, thúc đẩy kinh tế chia sẻ… để cộng đồng doanh nghiệp liên tục phát triển và ngày càng có nhiều doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp dân tộc, đủ sức vươn mình ra thế giới.
Thứ ba, được tôn vinh là doanh nghiệp dân tộc, chắc chắn doanh nghiệp đó phải có trách nhiệm với xã hội, với quốc gia, dân tộc hơn những doanh nghiệp khác. Có thể trách nhiệm đó được thể hiện qua các hoạt động an sinh, xã hội, khả năng tạo việc làm, khả năng thu hút các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu thế giới về cống hiến, đóng góp cho Việt Nam…
Chắc chắn rằng, tiêu chí xác định doanh nghiệp dân tộc sẽ là chủ đề hay, được bàn thảo một cách kỹ lưỡng. Tôi hi vọng rằng, chúng ta sẽ sớm xây dựng được bộ tiêu chí xác định doanh nghiệp dân tộc để có thể định kỳ hàng năm đánh giá, công bố ra công chúng danh sách doanh nghiệp dân tộc trên tinh thần "động, mở", "có vào, có ra", khách quan, minh bạch. Điều này cũng góp phần tạo động lực để doanh nghiệp phấn đấu để không chỉ được lọt vào danh sách mà còn duy trì, giữ vững thương hiệu của mình.
-Theo ông, việc một doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp dân tộc sẽ mang lại ý nghĩa gì về kinh tế, chính trị và xã hội?
Khi trở thành một doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp sẽ được hưởng những chính sách, cơ chế ưu đãi, đặc thù để doanh nghiệp đó tiếp tục lớn mạnh, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển và đóng góp tích cực cho nền kinh tế và xã hội.
Hiện nay, đất nước chúng ta đang triển khai những công trình mang tầm vóc thế kỷ, những dự án trọng điểm quốc gia như: cảng hàng không, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các dự án, chương trình phát triển công nghiệp công nghệ số… Tôi cho rằng, nếu như có những chính sách, cơ chế đặc thù để thu hút, sử dụng doanh nghiệp dân tộc tham gia vào những dự án, chương trình này thì rất có ý nghĩa. Chúng ta sẽ có những công trình của Việt Nam, do người Việt Nam làm, cho người dân Việt Nam sử dụng, qua đó, khơi dậy động lực, tinh thần cống hiến vì đất nước, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực trong Nhân dân như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 10 vừa qua. Thực tế đã chứng minh, những “biểu tượng” Việt Nam do người Việt Nam làm rất thành công như: tòa nhà cao nhất Việt Nam do nhà thầu Việt Nam xây dựng, hầu hết các dự án đường cao tốc đang triển khai cũng do nhà thầu Việt Nam đảm nhiệm, hay như tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Văn hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt câu hỏi tại sao chúng ta không tổng kết, nhân rộng 02 concert rất thành công do người Việt Nam thực hiện. Rõ ràng tiềm lực, khả năng của doanh nghiệp Việt Nam đủ sức đảm nhiệm những dự án đặc biệt đó, nếu như có những chính sách, cơ chế thỏa đáng thì chắc chắn doanh nghiệp dân tộc sẽ vươn mình, tạo tiền đề để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các công trình, dự án mang tầm vóc quốc gia, khu vực và thế giới.
Bên cạnh ý nghĩa về kinh tế, việc trở thành doanh nghiệp dân tộc còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội, bản sắc văn hóa. Và bản thân những doanh nghiệp này khi trở thành doanh nghiệp dân tộc, bằng ý thức trách nhiệm, sự tự tôn, tự hào thương hiệu, thì họ sẽ có động lực tiếp tục phấn đấu để duy trì sự lớn mạnh, trường tồn của mình.
Về phía các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào chính sách về doanh nghiệp dân tộc được ban hành, cần thực hiện vai trò định hướng, dẫn dắt, xây dựng doanh nghiệp dân tộc trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý. Về phía Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy tính chủ động, trách nhiệm phối hợp cùng với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất, tham mưu Chính phủ xây dựng, ban hành Đề án về cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc.
-Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!