Đại diện Vietcombank cho biết, thực tiễn công tác xử lý nợ xấu tại ngân hàng này cho thấy, sự chủ động các biện pháp xử lý, thu hồi nợ có ý nghĩa quan trọng.
Theo đó, Vietcombank quán triệt thực hiện các biện pháp như tăng cường rà soát, đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh, tài sản bảo đảm, khả năng trả nợ của khách hàng; Giám sát chặt chẽ danh mục khách hàng cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN; kịp thời có ứng xử tín dụng phù hợp để hạn chế nợ xấu phát sinh.
Bên cạnh đó, chủ động tăng cường trích lập dự phòng rủi ro với nợ xấu, nợ có khả năng chuyển xấu; phân loại khách hàng vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo đúng tình trạng khoản nợ.
Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng tín dụng bằng các chính sách cho vay như xây dựng định hướng ngành, nghề theo mức độ rủi ro nhằm định hướng phát triển tín dụng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 tiếp tục phức tạp; điều chỉnh tỷ lệ mức cấp tín dụng tối đa trên giá trị tài sản bảo đảm nhằm hạn chế rủi ro phát sinh; triển khai kiểm tra chuyên đề tín dụng… cũng là một biện pháp đã được sử dụng.
Cùng với việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro, Vietcombank tiến hành biện pháp phân loại khách hàng thành nhóm khách hàng có thiện chí hợp tác và nhóm khách hàng không có thiện chí hợp tác.
Đối với nhóm khách hàng có thiện chí hợp tác có nguồn trả nợ, Vietcombank xem xét kết hợp nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích khách hàng trả nợ như cơ cấu nợ phù hợp với khả năng trả nợ, giảm, miễn lãi vay chia sẻ khó khăn trong dịch bệnh.
Đối với khách hàng có thiện chí nhưng không đủ nguồn trả nợ, Vietcombank yêu cầu khách hàng phối hợp thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm. Ưu tiên phương thức bán đấu giá, trên nguyên tắc giá bán/giá khởi điểm bán đấu giá phải sát với giá trị thị trường của tài sản và hạ giá tối đa 10% và đấu giá rút gọn.
Đối với khách hàng thuộc nhóm khách hàng không có thiện chí hợp tác, Vietcombank kiên quyết áp dụng các biện pháp thu hồi mạnh, quyết liệt như: thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42; khởi kiện (ưu tiên phương pháp hòa giải); Thường xuyên trao đổi với cơ quan Thi hành án để thực thi phát mại tài sản bảo đảm.
Trong trường hợp khách hàng chây ỳ, cố tình trốn tránh, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hổ sơ sang cơ quan Công an để xử lý.
Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Vietcombank phần nào được mặc định đây là công việc thường xuyên trong hoạt động cấp tín dụng; nhưng cũng cho thấy, các “chủ nợ” dù có trong tay văn bằng khế ước, giao kèo thỏa thuận hay phán quyết của tòa thì để việc xử lý nợ xấu đạt được hiệu quả thiết thực, các tổ chức tín dụng không thể “đơn thương, độc mã”, mà rất cần có cơ chế pháp lý đủ mạnh và sự vào cuộc đồng bộ, liên thông của các ngành, các cấp.
Đại diện Vietcombank khẳng định, xử lý nợ xấu tốt, vòng quay tín dụng nhanh, hiệu quả cấp tín dụng cao sẽ thiết thực ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sức sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển.