Kinh tế dự báo khó đạt mục tiêu tăng trưởng

 

Dẫn chứng hàng loạt khó khăn của kinh tế vào thời điểm cuối 2011, bước vào 2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ rõ quan điểm: Cần ưu tiên kiềm chế lạm phát vì tình hình hiện nay vẫn rất xấu, đời sống khó khăn, nhưng đi cùng đó phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gắn liền với chỉ tiêu lạm phát dưới 10% vào năm 2012. 

 

Hôm qua (20/4), trước khi kết thúc phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010.

Chỉ số giá tiêu dùng giảm

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong số 22 chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch 2011, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Một số chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với số ước tính đã báo cáo với Quốc hội như tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ nhập siêu; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý…

Đáng lưu ý, một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước, tổng vốn đầu tư phát triển, chỉ số giá tiêu dùng, diện tích sàn nhà ở đô thị, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Riêng quý I/2012, Bộ trưởng Vinh cho biết: Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2012 ước đạt 4%; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm dần và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước. CPI tháng 3/2012 tăng khoảng 2,55%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết: trên 2,4 nghìn doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể và khoảng trên 11,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Các giải pháp được Chính phủ đưa ra trong thời gian tới là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh...

Lo vì tăng trưởng thấp

Thẩm tra tình hình KT-XH những tháng đầu năm, Ủy ban Kinh tế (UBKT) đánh giá  ”đạt được một số kết quả nhất định” trong đó đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng chậm lại và mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Tuy nhiên, theo UBKT, khó khăn, thách thức của những tháng còn lại cũng rất lớn. Đó là GDP quý I tăng trưởng ở mức 4%, thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây, thấp hơn dự kiến của Chính phủ là 5%-6% và khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5% của cả năm 2012. 

UBKT cũng cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế nước ta vẫn chưa có dấu hiệu vững chắc, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất hơn để phát huy tối đa sức mạnh nội lực của cả đất nước. UBKT đề nghị tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra cho năm 2012, nhưng cần điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất kinh doanh.

Trước tình trạng tăng trưởng thấp so với cùng kỳ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển vẫn tỏ ra lạc quan: năm 2009, 7 tháng liên tục tăng trưởng đạt âm, mãi cuối năm mới lên, “Chúng ta tăng trưởng 4% mà đánh giá suy thoái thì chưa nên”, ông Hiển nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, phải bám sát tình hình, điều hành chính sách linh hoạt để đạt mục tiêu đề ra. Bởi nếu thay đổi mục tiêu phải thay đổi cả các giải pháp đi theo nó. “Khi đánh giá không thể lấy kết quả quý I để đánh giá cả năm, nhưng phải so sánh với cùng kỳ các năm trước”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Dẫn chứng hàng loạt khó khăn của kinh tế vào thời điểm cuối 2011, bước vào 2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ rõ quan điểm: Cần ưu tiên kiềm chế lạm phát vì tình hình hiện nay vẫn rất xấu, đời sống khó khăn, nhưng đi cùng đó phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gắn liền với chỉ tiêu lạm phát dưới 10% vào năm 2012. Đến 2013, 2014, 2015 là phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng năm 2012  do Quốc hội đề ra là đã cân nhắc rất kỹ. “Nếu tăng trưởng thấp hơn thì không thể bảo đảm an sinh xã hội, doanh nghiệp không đứng được. 6 - 6,5% là lựa chọn chiến lược và hợp lý rồi”, Chủ tịch nói.

Nhiều ý kiến của Ủy viên UBTVQH cũng bày tỏ sự lo lắng trước tốc độ suy giảm tăng trưởng và đề nghị Chính phủ cần phải bám sát tình hình, có những giải pháp thiết thực để vực dậy tăng trưởng, đảm bảo nhanh nhưng vẫn bền vững.

Chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên đều vượt dự toán

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ báo cáo số ước thực hiện dự toán chi NSNN đạt 796.000 tỷ đồng, tăng 9,7% so với dự toán.

Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, tổng chi NSNN đạt 825.767 tỷ đồng, tăng 13,8% so với dự toán (tăng 100.167 tỷ đồng và tăng 29.767 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội); trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 15,1%, chi thường xuyên tăng 4,8% so với dự toán.

Thu Hằng

Đọc thêm