Từ thời điểm đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể để tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới, sáng tạo và thành công. Các chính sách, thể chế đang được hoàn thiện dần để DN khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn tín dụng và có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.
Tinh thần khởi nghiệp đang được lan tỏa rộng rãi trong xã hội. - Ảnh minh họa |
Một trong những điểm ấn tượng nhất với cộng đồng khởi nghiệp là Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc tế - Techfest Vietnam 2016, cũng đã lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Đây thực sự là một sân chơi bổ ích, tạo động lực cho cộng đồng khởi nghiệp phát huy sức sáng tạo, tìm được nhà đầu tư và khởi nghiệp thành công.
Cả hệ thống chính trị nước ta chủ trương đồng hành cùng DN, Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ mọi khó khăn rào cản DN là một lợi thế lớn đối với DN. Nước ta với chủ trương hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới đã mở ra cơ hội chưa từng có cho khởi nghiệp, vấn đề còn lại là DN khởi nghiệp phải có sự chuẩn bị và phải có tầm nhìn. Nắm được thời cơ là do chính mỗi người có phát huy được khả năng của mình.
Tuy nhiên, Báo cáo về chỉ số khởi nghiệp Việt Nam giai đoạn 2015-2016 của VCCI cũng chỉ ra nhiều yếu kém trong cạnh tranh của DN Việt, như sự năng động của thị trường nội địa; văn hóa và chuẩn mực xã hội; chuyển giao công nghiệp...
Về mặt thể chế cũng còn nhiều rào cản, bất cập với hoạt động khởi nghiệp. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 4.284 yêu cầu, điều kiện đầu tư kinh doanh trong 243 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của 15 bộ, tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng DN đăng ký mới; tạo nhiều rủi ro lớn cho DN trong quá trình hoạt động; giảm động lực đổi mới sáng tạo của DN; giảm năng suất và giảm sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế; nhiều điều kiện không rõ ràng, tạo ra cơ hội cho sự tùy tiện và nhũng nhiễu của một số cán bộ thực thi công vụ.
Để DN khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc triển khai hiệu quả Luật DN, Luật Đầu tư trong thời gian tới. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho DN theo tinh thần các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ. Đặc biệt, cần sớm ban hành các nghị định hướng dẫn để Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đi vào cuộc sống, cần làm rõ các tiêu chỉ của DN khởi nghiệp, cùng với đó là các hỗ trợ cụ thể đi kèm.
Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, để khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững, các DN khởi nghiệp cũng phải xác định rõ mong muốn gì từ việc đứng ra kinh doanh, vì sao muốn thành lập DN. Chỉ khi nào làm rõ mục đích của mình, bạn mới có thể thiết kế, xây dựng được DN phù hợp. Bên cạnh đó, phải có cách nghĩ khác với số đông để tạo ra phương thức mới và học cách tư duy hành động của ông chủ thực sự. Bởi, hầu hết DN thành công đều là xác định đúng mục đích kinh doanh, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và tạo ra giá trị mới cho họ.
Đến nay Việt Nam đã gia nhập thị trường chung ASEAN và cũng đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EU, Hàn Quốc, Nhật Bản ... mở ra cho DN cơ hội phát triển thị trường; phát triển kinh doanh chưa từng có. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời đẩy DN vào cuộc cạnh tranh khốc liệt ngay trên thị trường trong nước và quốc tế. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng làm thay đổi nhu cầu của con người; thay đổi nhu cầu của thị trường tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến nhiều ngành nghề kinh doanh trong xã hội.
Tổng kết từ nhiều năm kinh doanh của người viết cho thấy, điều kiện tiên quyết để khởi nghiệp và phát triển thành công một DN là sản xuất hàng hóa, dịch vụ DN phải bán được hàng; nói gọn lại sản xuất ra phải đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để có thể không lạc hậu, cần nhận biết nhu cầu sắp tới của xã hội.
Đẳng cấp DN, đẳng cấp doanh nhân ngày nay không chỉ biểu hiện rõ nhất ở năng lực và tầm trí tuệ trong quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh, mà còn ở năng lực nghiên cứu, khai thác, vận dụng những kết quả, thành tựu tri thức khoa học, tri thức của nhân loại vào quy trình sản xuất các sản phẩm, giá trị, nâng cao chất lượng sống con người. DN Việt Nam đa phần quá nhỏ, chưa từng trải kinh nghiệm, còn yếu nhiều mặt. Do đó cần nhất là kinh doanh trí tuệ, sáng tạo; đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số ...
Chúng ta thấy rất rõ cơ hội thuận lợi mở ra chưa từng có cho người dân và DN khởi nghiệp kinh doanh làm giàu, vấn đề còn lại là cách thức tổ chức khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo phải được chuẩn bị công phu.
CEO Đặng Đức Thành
Ủy viên Ban chấp hành VCCI
Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà Kinh tế (VEC)