Kinh tế thế giới năm 2024: Lạc quan và thách thức song hành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong Báo cáo Triển vọng vĩ mô 2024: Phần khó khăn đã qua, được công bố tháng 11/2023, Ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ) cho biết, nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 đã tăng trưởng vượt cả những dự báo lạc quan của họ. Nhiều tổ chức quốc tế chung nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của toàn cầu trong năm 2024.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đã vượt qua giai đoạn khó khăn?

Theo ước tính của Goldman Sachs, GDP toàn cầu sẽ tăng 2,7% trong năm 2023, cao hơn 1% so với dự báo đồng thuận của Bloomberg 1 năm trước. Đặc biệt, nền kinh tế Mỹ dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 2,4%, cao hơn 2% so với các dự báo được đưa ra trong năm 2022. 88% nền kinh tế thế giới dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng năm 2023 cao hơn so dự báo.

Tăng trưởng GDP vững chắc đã chuyển thành hiệu suất thị trường lao động tốt hơn. Theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp ở tất cả các nền kinh tế được phân tích hiện thấp hơn khoảng 0,5% so với mức trước đại dịch. Sự cải thiện này được ghi nhận ở cả các nước có mức tăng trưởng GDP thực tế rất thấp, như khu vực đồng Euro. Theo Goldman Sachs, cán cân cung - cầu trên thị trường lao động tiếp tục được cải thiện. Khoảng cách việc làm - người lao động - chỉ số được đo bằng cơ hội việc làm trừ đi số người thất nghiệp - đang có xu hướng giảm ở các nước trên thế giới. Đây là dấu hiệu rất đáng lạc quan, bởi tỷ lệ thất nghiệp ở các nước không tăng, trong khi cơ hội việc làm giảm sút.

Goldman Sachs cũng cho rằng, nhờ tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ và niềm tin rằng thời kỳ tăng lãi suất tồi tệ nhất đã qua, nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức kỳ vọng cao nhất trong năm 2024. Theo dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm ở mức 2,6% trong năm 2024, cao hơn dự báo đồng thuận 2,1% của các nhà kinh tế đã được Bloomberg thăm dò. Trong đó, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ lại vượt xa các nền kinh tế phát triển khác với mức tăng trưởng ước tính là 2,1%.

Cũng có chung dự báo lạc quan, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định nền kinh tế châu Âu có khả năng sẽ sớm ngăn chặn được suy thoái kinh tế và “hạ cánh mềm”. Ở khu vực khác của thế giới, IMF dự báo sẽ không có nhiều thay đổi lớn về tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong một báo cáo cho rằng, nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 sẽ chậm lại so với năm 2023, dự báo ở mức 2,7% và có xu hướng tăng lên 3% vào năm 2025. Một dự báo của Reuters nhận định, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống 2,6% trong năm 2024, từ mức 2,9% trong năm nay. Các nhà kinh tế nhìn chung đều có quan điểm cho rằng thế giới sẽ tránh khả năng rơi vào suy thoái.

Lạm phát vẫn là thách thức chính

Reuters trong một bài viết mới đây cho rằng, bốn năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế thế giới vẫn còn mong manh và bất ổn. Đại dịch đã bộc lộ và làm trầm trọng thêm những điểm yếu và dễ bị tổn thương về cấu trúc của một nền kinh tế toàn cầu liên kết với nhau. Theo Reuters, thách thức cốt lõi mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt khi bước sang năm 2024 tiếp tục là lạm phát. Vào năm 2024, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ dao động giữa các quốc gia và khu vực, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, phản ứng chính sách và các cú sốc bên ngoài.

Theo IMF, tỷ lệ lạm phát toàn cầu dự kiến là 5,8% vào năm 2024, với lạm phát cơ bản dự kiến sẽ không quay trở lại mức mục tiêu khoảng 2% cho đến năm 2025. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát có sự khác biệt đáng kể giữa các nước. Ví dụ, các nước phát triển dự kiến sẽ ghi nhận mức lạm phát dưới 3,0% vào năm 2024, sau khi đạt mức trung bình 4,6% vào năm 2023. Trong khi đó, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức 7,8%; thấp hơn mức lạm phát 8,5% vào năm 2023. Trong năm 2023, một số quốc gia như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức hai và thậm chí là ba con số.

Những diễn biến về lạm phát trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, lãi suất, giá tài sản, phân bổ thu nhập và tính bền vững nợ của nhiều quốc gia và khu vực. Mức lạm phát cũng sẽ đặt ra những thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp và cũng như các cơ quan quản lý, đòi hỏi họ phải thích ứng với mức giá đang thay đổi và quản lý các rủi ro và sự bất ổn liên quan.

Goldman Sachs cho rằng, phần lớn lực cản năm 2024 đến từ các chính sách thắt chặt tài chính và tiền tệ áp dụng thời gian qua. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở các nước phát triển khó có thể cắt giảm lãi suất trước nửa cuối năm 2024 trừ khi tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo. Ngân hàng này nhận định rằng lạm phát tiếp tục “hạ nhiệt” trên khắp các nền kinh tế G10 và thị trường mới nổi, và dự báo sẽ còn giảm thêm. “Các nhà kinh tế của chúng tôi dự báo mức giảm lạm phát năm nay sẽ còn tiếp tục trong năm 2024: lạm phát lõi sẽ giảm từ 3% hiện nay xuống mức trung bình 2 - 2,5% ở các nền kinh tế G10 (trừ Nhật Bản)”, Goldman Sachs nhận định.