Kinh tế tỉnh Bến Tre tiếp tục tăng trưởng, GRDP ước tính 5,27%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, kinh tế của tỉnh Bến Tre vẫn duy trì được đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GRDP ước tính 5,27%, cơ cấu kinh tế nhìn chung chuyển dịch đúng hướng.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre nêu nhiệm vụ tập trung cuối năm. Ảnh: Kim Ngân
Ông Trần Thanh Lâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre nêu nhiệm vụ tập trung cuối năm. Ảnh: Kim Ngân

Ngày 1/10, tại hội nghị thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục xu hướng phục hồi khởi sắc hơn, một số lĩnh vực phát triển cao so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre nêu tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Kim Ngân

Ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre nêu tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Kim Ngân

Sự tăng trưởng của Khu vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục là điểm sáng, ước đạt 10,55%. Khu vực dịch vụ tăng 5,36% và Khu vực nông – lâm - thuỷ sản tăng 2,28%. Kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, lượng khách và doanh thu du lịch tăng so cùng kỳ. Công tác thu ngân sách đạt khá cao so với chỉ tiêu, ước đạt 4.800 tỷ đồng, đạt 82,42% dự toán Trung ương giao, tăng 18,37% so với cùng kỳ.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP tiếp tục được quan tâm. Trong 9 tháng đầu năm đã chứng nhận thêm 40 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; lũy kế đến nay, có 290 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 140 chủ thể.

Tổng lượt khách du lịch là 1.973.165 lượt, tăng 15,1% so cùng kỳ. Chương trình "Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp" tiếp tục được quan tâm.

Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2023 xếp vị trí 7/63 tỉnh/thành trên cả nước, xếp vị trí thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tăng 6 bậc so với năm 2022. Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) xếp vị trí 19/63 tỉnh/thành, tăng 43 bậc so với năm 2022.

Công tác phòng chống xâm nhập mặn đạt hiệu quả, góp phần duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 112/139 xã chuẩn nông thôn mới, đạt 80,58%, đứng 41/63 so với cả nước.

Đặc biệt, các công trình giao thông quan trọng của tỉnh bao gồm: cầu Rạch Miễu 2 và đường gom, cầu Ba Lai 8, dự án đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn liên huyện Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú… được đẩy nhanh tiến độ.

Chủ trì hội nghị. Ảnh: Kim Ngân

Chủ trì hội nghị. Ảnh: Kim Ngân

Nhìn chung, tỉnh Bến Tre đã tạo được sự thống nhất trong phương châm hành động “Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận – Sáng tạo – Phát triển”. Nổi bật là cao điểm thi đua “Đồng Khởi mới” trở thành phong trào xuyên suốt, thấm nhuần trong nhận thức và hành động của cán bộ và Nhân dân Bến Tre.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho biết thêm, bên cạnh những thành tựu trong 9 tháng vừa qua, tỉnh Bến Tre cũng cho thấy một số mặt hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, sản xuất, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, sâu đầu đen gây hại trên cây dừa vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp… Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ mở rộng Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre còn chậm cùng với công tác quản lý rác thải chưa có giải pháp hữu hiệu, chỉ là ứng phó nhất thời, nguy cơ ô nhiễm nặng vào mùa mưa rất cao.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong 3 tháng cuối năm, ông Trần Thanh Lâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, cần tập trung ở một số nội dung trọng điểm bao gồm: tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP HCM, xúc tiến đầu tư; triển khai chuyển đổi số và chính quyền điện tử, sổ tay đảng viên điện tử; tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ tiến hành thành lập cụm công nghiệp Phong Nẫm 2, Đìa Dứa, C2…, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp khu công nghiệp Phú Thuận cùng với việc tháo gỡ các điểm nghẽn về tiến độ thực hiện các dự án quan trọng khác.

Đọc thêm