Kinh tế toàn cầu mất 2,3 nghìn tỷ USD vì tiêm vaccine phòng COVID-19 chậm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một báo cáo được công bố ngày 25/8 cho rằng, việc chậm triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 2,3 nghìn tỷ USD do sản lượng bị mất.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo AFP, nghiên cứu của Economist Intelligence Unit cho thấy rằng các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển – hiện đang là những nơi có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 kém xa so với các nước giàu hơn - sẽ phải gánh chịu phần nhiều những thiệt hại đó.

Theo tính toán trong nghiên cứu, các quốc gia không đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số vào giữa năm 2022 sẽ phải chịu mức thiệt hại tổng cộng tương đương với 2 nghìn tỷ euro trong giai đoạn 2022-2025.

“Các nước đang phát triển sẽ gánh chịu khoảng 2/3 số thiệt hại này, càng làm trì hoãn quá trình hội tụ kinh tế của các nước này với các nước phát triển hơn”, Economist Intelligence Unit nhấn mạnh.

Theo báo cáo, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất về mặt tuyệt đối, chiếm gần 3/4 số thiệt hại. Nhưng tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP, châu Phi cận Sahara sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Theo nghiên cứu, đến cuối tháng 8, khoảng 60% dân số ở các nước có thu nhập cao hơn đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19, so với chỉ 1% ở các quốc gia nghèo hơn. "Các chiến dịch tiêm chủng đang tiến triển với tốc độ chậm ở các nền kinh tế có thu nhập thấp", báo cáo của Economist Intelligence Unit cho hay.

Economist Intelligence Unit cũng cảnh báo việc chậm triển khai vaccine có thể gây ra sự phẫn nộ, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội ở các nền kinh tế đang phát triển.

Theo Economist Intelligence Unit, nghiên cứu của họ được thực hiện bằng cách kết hợp các dự báo về lịch trình tiêm chủng ở khoảng 200 quốc gia với dự báo tăng trưởng GDP. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia phát triển đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại cho người dân của họ. Hầu hết các vaccine hiện có đều cần phải chủng ngừa đầy đủ hai liều.

Đọc thêm