Kinh tế tuần hoàn: Chìa khóa mở “cánh cửa” phát triển bền vững

(PLVN) - Các mô hình kinh tế truyền thống (tuyến tính) đã tạo ra khối lượng hàng hóa khổng lồ phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhân loại suốt nhiều thập kỷ qua nhưng cũng đem đến sự ô nhiễm, cạn kiệt; thì mô hình kinh tế tuần hoàn lại đang là “ngọn gió mới” mang theo sự kỳ vọng phát triển bền vững cho nhân loại hôm nay và mai sau.

Chìa khóa của sự bền vững

Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm còn khá mới mẻ với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bấy lâu nay nền kinh tế toàn cầu vẫn đang được điều hành bởi mô hình kinh tế truyền thống - chủ yếu dựa vào khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên để chế biến, sản xuất hàng hóa. Mặc dù đã đem lại sự phồn thịnh cho kinh tế toàn thế giới trong nhiều thế kỷ qua, tuy nhiên, kinh tế truyền thống đã khiến các nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, đồng thời tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến nhiều hệ lụy cho tương lai.

TS. Nguyễn Tấn Vinh - Phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho biết: nền kinh tế truyền thống trước đây được vận hành theo mô hình kinh tế tuyến tính (đường thẳng). Mô hình kinh tế tuyến tính đã khuyến khích các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên ngày càng nhiều để đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc tàn phá và làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; đồng thời, rác thải không được tái sử dụng, tái sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng là quốc gia tận dụng được những ưu thế của mô hình kinh tế tuyến tính. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với một số vấn đề như rác thải nhựa, biến đổi khí hậu, các vấn đề về xã hội (mất việc làm, bất bình đẳng vùng miền, thu nhập, nghèo đói, an ninh trật tự...), an ninh lương thực. Trước thực trạng đó, nhiều mô hình kinh tế mới hướng đến sự phát triển bền vững đã ra đời, nổi bật trong đó là kinh tế tuần hoàn.

Trong chương trình nghị sự tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - Ursula von der Leyen đã tuyên bố: “Một nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp chúng ta bớt đi sự phụ thuộc và tăng cường khả năng phục hồi”.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình "kinh tế truyền thống" sang "kinh tế tuần hoàn".

Kinh tế tuần hoàn là gì?

Theo định nghĩa của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế tuần hoàn chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống “khai thác - sản xuất - tiêu hủy” sang mô hình tái sử dụng có mục đích. Mục tiêu là giữ lại càng nhiều giá trị càng tốt từ các nguồn lực, sản phẩm, thành phẩm và vật liệu nhằm kiến tạo một hệ thống cho phép tái sử dụng, tân trang, tái sản xuất và tái chế lâu dài, tối ưu.

Nói cách khác, kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển bền vững đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. 

Ở cấp độ thấp, kinh tế tuần hoàn tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái.

Ở cấp độ cao, cấp độ doanh nghiệp, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế và không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.

Sự khác nhau giữa mô hình kinh tế cũ (kinh tế tuyến tính) và mô hình kinh tế tuần hoàn.
Sự khác nhau giữa mô hình kinh tế cũ (kinh tế tuyến tính) và mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cách tiếp cận này không chỉ là những điều chỉnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của nền kinh tế truyền thống, mà còn là một sự thay đổi hệ thống tạo ra khả năng phục hồi lâu dài, cơ hội kinh doanh cũng như mang lại những lợi ích môi trường và xã hội.

Thực tế, trên thế giới, những tập đoàn hàng đầu đã bắt đầu hoạt động theo mô hình tuần hoàn. Thí dụ, IKEA cam kết ứng dụng hoàn toàn mô hình kinh tế tuần hoàn vào năm 2030, Lego hướng đến dùng nhựa thực vật, Carlsberg cải thiện giải pháp đóng gói giảm dùng nhựa. Hay như, Schneider Electric (Pháp), các hoạt động kinh tế tuần hoàn chiếm 12% doanh thu và dự kiến tiết kiệm 100 nghìn tấn tài nguyên giai đoạn 2018 - 2020.

Hiệu quả từ những “cánh én” đầu tiên

Xác định tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, thời gian qua, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, trong đó có đề cập đến chính sách khuyến khích áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, tiêu dùng hướng đến mô hình kinh doanh, kinh tế phi phát thải tầm nhìn đến 2030, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong sản xuất xanh, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn.

Do còn nhiều khó khăn, thách thức nên số lượng các doanh nghiệp tập trung đầu tư chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam chưa nhiều, tuy nhiên những “cánh én” đầu tiên chuyển đổi, áp dụng mô hình mới này đã có những kết quả khả quan.

Sớm có những định hướng kinh tế tuần hoàn, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã có chiến lược đầu tư và thu lại những kết quả kinh doanh ổn định và liên tục mở rộng ra thế giới trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 – khi mà đại dịch Covid-19 đang khiến nền kinh tế lao đao.

Để chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, Vinamilk đã xây dựng 3 định hướng chính trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa: 

Thứ nhất, giảm và sử dụng tối ưu lượng vật liệu sử dụng trong sản xuất bằng việc giảm lượng muỗng nhựa trong thùng sản phẩm, giảm ống hút sử dụng, giảm màng co, kéo dán nắp.... Nghiên cứu các bao bì có thể mở và uống trực tiếp mà không cần ống hút, đồng thời loại bỏ lớp nhãn nhựa bọc trên nắp của chai nước.

Thứ hai, nâng cấp và thay thế vật liệu thô bằng các vật liệu thân thiện với môi trường bằng cách nghiên cứu ứng dụng các vật liệu nhựa có khả năng phân hủy vi sinh toàn toàn ở điều kiện ủ thông thường. Nghiên cứu ứng dụng các vật liệu thay thế nhựa thông thường ví dụ vật liệu có khả năng tái tạo như giấy; gỗ; vật liệu nhựa từ tinh bột. Từ năm 2019, Vinamilk đã khuyến khích người tiêu dùng sử dụng túi vải, túi môi trường và túi nilon sinh học tự hủy.

Thứ ba, tăng cường tái sử dụng, tái chế bằng việc sử dụng bao bì giấy có thể tái chế toàn bộ và được chứng nhận FSC - chứng nhận sản phẩm mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội. Đồng thời, có các giải pháp thu gom và tái chế bao bì phù hợp.

Đối với hoạt động của các trang trại bò sữa, nhà máy, Vinamilk đã sớm xây dựng vòng tuần hòa xanh trong nông nghiệp và sản xuất sạch như: ứng dụng năng lượng tái tạo biomass tại các nhà máy; xây dựng vòng tuần hoàn nước, đất trong sản xuất; chăn nuôi hữu cơ, canh tác nông nghiệp theo công nghệ Nhật Bản; sử dụng năng lượng mặt trời, đèn chiếu sáng tiết kiệm điện năng; ứng dụng công nghệ 4.0 để quản trị và sử dụng hợp lý nguồn năng lượng và tài nguyên trong sản xuất và chăn nuôi…

Các báo cáo phát triển bền vững định kỳ cho thấy các trang trại Vinamilk đã áp dụng hiệu quả hàng loạt công nghệ cao trong phát triển bền vững như: 94% năng lượng sử dụng của các nhà máy là năng lượng tái tạo, 100% trang trại đầu tư công nghệ xử lý chất thải theo công nghệ yếm khí Biogas, biến chất thải thành tài nguyên; 100% nước thải đầu ra được xử lý và tái sử dụng...

 
 

Mô hình chăn nuôi bò sữa hữu cơ tại trang trại của Vinamilk rất an toàn với nhiều “điểm không”: Không hóa chất trong thức ăn và thức uống của gia súc; Không sử dụng thuốc trừ sâu bọ, không dùng hóa chất để bón trên cánh đồng thức ăn thô xanh; Không được nuôi lớn đàn bò bằng kích thích tố tăng trưởng nhân tạo...

Từ định hướng cho đến cách thức thực hiện những bước đi thực tiễn của Vinamilk có thể thấy rằng mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh mà còn tạo nên những giá trị cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển bền vững, góp phần tạo nên những thành công ở bất kỳ thời điểm nào. Đây cũng là sự khích lệ lớn cho những doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong sứ mệnh tạo nên những giá trị bền vững.

Đọc thêm