Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII: Cơ bản thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ

(PLVN) -Ngày 12/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã phối hợp tổ chức Diễn đàn “Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng”.
Diễn đàn là dịp để lãnh đạo các ban, Bộ, ngành… trao đổi, đánh giá việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước. (Ảnh: dangcongsan.vn).
Diễn đàn là dịp để lãnh đạo các ban, Bộ, ngành… trao đổi, đánh giá việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước. (Ảnh: dangcongsan.vn).

Diễn đàn là dịp để lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, các chuyên gia trao đổi, đánh giá việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước; những nội dung, kết quả đã làm được từ đầu nhiệm kỳ tới nay cũng như đề ra các giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trong nửa cuối nhiệm kỳ.

Báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng biên tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho biết, ngay sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, có những việc chưa từng có tiền lệ. Trên thế giới, đại dịch COVID-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề, hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất...

Trong bối cảnh đó, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được triển khai quyết liệt, cụ thể hóa thành các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các chương trình hành động thiết thực của Quốc hội, Chính phủ, quán triệt sâu rộng tới các Bộ, ban, ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 36 nghị quyết và 54 kết luận, trong đó có nhiều nghị quyết, kết luận liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển phát triển kinh tế...

Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng chiến lược trên cả nước với thông điệp rất rõ nét. Đó là, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động phát triển nhanh và bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong vùng.

Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ: vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Việt Nam là một “điểm sáng” trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Cụ thể, năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại. Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, có một điểm mới rất quan trọng của nhiệm kỳ này là Đảng ta đã ban hành và chỉ đạo tổ chức rất thành công các hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng, cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát triển nhanh, bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Dự báo tình hình thế giới, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn… Trong bối cảnh đó, các đại biểu cho rằng cần phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm đã đạt được; đề xuất những giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong nửa nhiệm kỳ còn lại cũng như giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển đồng bộ các loại thị trường; gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đọc thêm