Bàn cách “cứu” hàng triệu tấn nông sản sắp thu hoạch

(PLVN) - Trong khi hơn 500 xe nông sản đang xếp hàng chờ ngày Trung Quốc mở lại các cửa khẩu thì hàng trăm ngàn tấn hoa quả sắp đến vụ thu hoạch cũng đang khiến người dân, chính quyền nhiều tỉnh… như “ngồi trên lửa” vì chưa biết tiêu thụ ở đâu.
Đồng Nai đang lo lắng cho 12.252ha xoài đang vào vụ thu hoạch nhưng khó xuất khẩu
Đồng Nai đang lo lắng cho 12.252ha xoài đang vào vụ thu hoạch nhưng khó xuất khẩu

Nhiều mặt hàng chưa biết bán ở đâu 

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho hay, hiện sản phẩm của tỉnh này còn tồn đọng khá nhiều với 11.000 tấn khoai lang, 1.200 tấn ớt và nhãn. Chưa kể, trong khoảng 1 tháng nữa sẽ thu hoạch khoảng 90.000 tấn xoài. Ông Dũng thực sự lo lắng, sản lượng này sẽ không biết tiêu thụ ở đâu khi sắp đến kỳ thu hoạch, trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. 

Đại diện Sở Công Thương Tiền Giang cũng cho biết, khoảng 272.700 tấn sầu riêng, mít, thanh long, bưởi da xanh, xoài… của tỉnh cũng đang chưa biết tiêu thụ ở đâu, tiêu thụ như thế nào cho xuể. 

Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Sơn La cũng cho thấy, trong năm 2020, tỉnh dự kiến xuất khẩu 98.000 tấn mận, 190.000 tấn xoài, 200.000 tấn nhãn, 48.000 tấn chanh leo và thị trường chính là Trung Quốc.

Tỉnh Đồng Nai cũng lo lắng cho 10.458ha chuối, 12.252ha xoài đang vào vụ thu hoạch. Cộng thêm 10.176ha chôm chôm, mít; 39.000 tấn sầu riêng chuẩn bị thu hoạch. 

Vựa vải Bắc Giang cũng đang ráo riết tìm kiếm đầu ra cho loại quả này vì chỉ còn 3 tháng nữa là đến vụ thu hoạch, trong khi số lượng xuất sang Trung Quốc chiếm đến 60% sản lượng thu hoạch.

Mặc dù năm nay có thêm thị trường Nhật Bản nhưng đặc thù của vải thiều Bắc Giang chỉ để được 3 tuần từ khi chín nên Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải không ngần ngại bày tỏ sự lo ngại về phương án tiêu thụ mặt hàng nông sản này.

“Những thị trường khác cũng tính đến như một phương án thay thế nhưng với các mặt hàng liên quan đến hoa quả không phải muốn là xuất khẩu được, trong khi chúng ta cần tiêu thụ ngay”, Thứ trưởng Hải chia sẻ.

Đâu là giải pháp?

Việc “cứu” khoảng 1 triệu tấn trái cây chuẩn bị thu hoạch đã khiến cho các ngành chức năng cũng như doanh nghiệp như “ngồi trên lửa”. Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho rằng, trước thực trạng quá lệ thuộc vào một thị trường, Việt Nam cần tìm thêm những thị trường xuất khẩu những sản phẩm nông sản lâu dài, như xuất khẩu sang hệ thống siêu thị Big C Thái Lan. Hiện MM Mega Market đang kết nối với thị trường Singapore để mở rộng hơn thị trường tiêu thụ cho trái cây Việt Nam. 

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận Hà Lê Thanh Chung nêu 2 thị trường có thể xuất khẩu trái cây Việt Nam là Campuchia và Myanmar. Theo ông Chung, giá thanh long hiện nay có thể vào được 2 thị trường này, đề nghị Bộ liên kết với doanh nghiệp nhập khẩu đưa sản phẩm sang 2 thị trường nói trên. Đồng thời, cũng kiến nghị Tổng cục Thuế xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch. 

Ông Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cũng cho biết Sở tiếp tục thực hiện chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, kết nối đưa thanh long vào tiêu thụ ở Big C; kết nối với các khu công nghiệp bán trái cây…

Ngoài ra, còn đề nghị các hệ thống phân phối cùng Sở Công Thương vào cuộc để từng bước tiến hành sản xuất theo vùng nguyên liệu, ổn định nguồn cung cho các siêu thị, ổn định giá cả lâu dài, không nên phụ thuộc vào các cuộc “giải cứu”, không mang tính căn cơ. 

Không gặp vấn đề lo lắng về tiêu thụ nông sản cho Hà Nội nhưng bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cũng cho biết, Sở này đã chủ động triển khai văn bản đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đề nghị cung cấp danh sách các sản phẩm cần tiêu thụ để Sở kết nối với các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Hiện, Sở vẫn tiếp tục đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố gửi thông tin về tên sản phẩm, sản lượng tiêu thụ trong từng tháng để giúp các hệ thống phân phối tính toán tiêu thụ, bảo đảm không bị ứ đọng trong hệ thống phân phối.

Đọc thêm