'Bơm' hàng chục ngàn tỷ cho EVN nhưng lại 'dè chừng' với PVN

(PLO) - Cùng thực hiện các công trình nhiệt điện nhưng “số phận” các dự án do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hình như đang trái ngược nhau. Trong khi dự án của EVN được tin cậy thu xếp đủ hàng chục ngàn tỷ tiền vốn để khởi công, thì PVN đang rơi vào cảnh bế tắc, chưa lối thoát.
Vietcombank vừa đồng ý cấp khoản tín dụng 27.100 tỷ đồng để EVN khởi công Nhiệt điện Quảng Trạch
Vietcombank vừa đồng ý cấp khoản tín dụng 27.100 tỷ đồng để EVN khởi công Nhiệt điện Quảng Trạch

“Trái đắng” của PVN đã được EVN giải quyết…

Thông tin mới công bố gần đây cho hay, EVN đã đạt được thỏa thuận với Vietcombank về việc thu xếp 27.100 tỷ đồng đối với Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1.

Bản thoả thuận trên đã được lãnh đạo cấp cao 2 bên thông báo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình vừa được tổ chức hồi tuần trước. Như vậy, sau 2 năm tiếp quản dự án từ tay PVN ở “vũng lầy” Quảng Trạch, EVN đã chính thức thu xếp xong toàn bộ nhu cầu tín dụng thương mại (22.100 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 42.022 tỷ đồng).

Theo tìm hiểu, đây là dự án nguồn điện đầu tiên của EVN thu xếp được bằng 100% vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước, không qua bảo lãnh của Chính phủ.

Dự án này ban đầu do PVN làm chủ đầu tư, với tổng vốn gần 2 tỷ USD. Dự án khởi công từ năm 2011, nhưng sau 5 năm, PVN mới chỉ giải ngân được hơn 500 tỷ đồng cho các phần hạ tầng ít ỏi. Ngoài ra, trên công trường chưa có thêm bất cứ hạng mục nào liên quan đến nhà máy nhiệt điện.

Sau khoảng thời gian đó, do không thể tiếp tục thực hiện dự án, PVN đã buộc phải chuyển giao dự án về EVN vào cuối năm 2016. Hai năm sau khi chính thức tiếp nhận, EVN bên cạnh việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý đã trao đổi và đạt được một thoả thuận về một khoản tín dụng cần thiết phục vụ cho dự án.

Viecombank từng cho biết sở dĩ ngân hàng này quyết định đồng hành với dự án trên vì EVN được đánh giá là tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các dự án nhiệt điện ở Việt Nam. Vì thế, đến thời điểm này, thoả thuận nguyên tắc cho vay 27.100 tỷ đồng đã được Vietcombank trao cho EVN.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, vì sao suốt 5 năm “ôm” dự án, PVN không thể huy động vốn từ các tô chức tín dụng trong nước như EVN, để cuối cùng vuột mất dự án?

Theo tìm hiểu của PLVN, việc không thể thu xếp vốn để thực hiện khi đã giải ngân được khoảng 1% tổng mức đầu tư dự án này là chuyện không quá bất thường, nhưng việc dự án đã gần “cán đích” mà vẫn không thể thu xếp được vốn để chạy đoạn cuối mới thực sự là điều hết sức bất thường tại một dự án của PVN ở Thái Bình.

Việc chậm tiến độ Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có gì khó nói khiến lãnh đạo PVN từ chối trả lời phỏng vấn của PLVN?
Việc chậm tiến độ Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có gì khó nói khiến lãnh đạo PVN từ chối trả lời phỏng vấn của PLVN?

Thiếu nguồn phải dùng… vốn chủ sở hữu

Cụ thể, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW, với vốn đầu tư 41.799 tỷ VNĐ. Dự án này cũng được khởi công vào năm 2011, dự kiến phát điện tổ máy 1 vào năm 2014, nhưng tới nay dự án đã xin lùi tiến độ nhiều lần.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án, đến nay, công tác mua sắm thiết bị, vật tư của công trình đã đạt 91,5%; công tác gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,56%, thi công xây dựng đạt 78,45%. Hầu hết, các hạng mục xây dựng chính của dự án đều đã hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện, trong đó, đáng chú ý đã hoàn thành quy trình phối hợp vận hành giữa Nhà máy nhiệt điện Thái Bình (EVN đầu tư) và Nhiệt điện Thái Bình 2.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hầu hết các thiết bị trên công trường đã sắp hết hạn bảo hành trong khi dự án vẫn chưa thực hiện xong. Chưa hết, dù dự án đã đi đến giai đoạn cuối, nhưng PVN hiện vẫn không “xoay” đủ vốn để thực hiện những công đoạn cuối của dự án.

Theo báo cáo mới đây của Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đến giữa tháng 7/2018, tổng số vốn đã giải ngân là 432,06 triệu USD, số đã trả nợ là 81 triệu USD, số dư 351 triệu USD, số còn lại chưa thể giải ngân là 505,07 triệu USD.

Ngoài ra, theo tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 được duyệt, dự kiến nguồn vốn còn thiếu khoảng 9.600 tỷ đồng chưa thu xếp được. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2017, PVN đã phải sử dụng 21.577 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để giải ngân phục vụ dự án.

Thực trạng oái oăm trên đang tác động trực tiếp tới tiến độ dự án. PVN đã đôn đáo kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận để Ngân hàng Nhà nước ủng hộ các ngân hàng thương mại trong nước trong việc cấp tín dụng vượt hạn mức vốn điều lệ của PVN tại các ngân hàng nhằm “giải cứu” Nhiệt điện Thái Bình 2. Đồng thời, kiến nghị giao Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hạn mức tín dụng cho PVN vay vốn triển khai dự án thúc đẩy thực hiện các bước tiếp theo để hoàn thiện thủ tục ký kết hợp đồng cho vay.

Trong khi đó, phía ngân hàng thì cho biết, hiện PVN chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý quan trọng liên quan đến việc phê duyệt, hiệu chỉnh tổng mức đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án… để có cơ sở thẩm định, xem xét quyết định cho vay theo đúng quy định. Do vậy, kiến nghị của PVN chưa đủ cơ sở để xem xét.

Liên quan vấn đề này, phóng viên PLVN đã nhiều lần đề nghị đại diện PVN làm rõ nguyên nhân dẫn tới việc chậm tiến độ và thực trạng chưa thuyết phục được ngân hàng để giải “cơn khát” vốn tại dự án nói trên, nhưng dường như đây là câu chuyện với nhiều điều khó nói, khi Chánh Văn phòng PVN Trần Bảo Minh đã nhiều lần từ chối “khéo” câu hỏi của phóng viên. 

Đọc thêm