Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu: Vì sao Sơn La đề nghị thu hẹp quy mô dự án?

(PLVN) - Tỉnh Sơn La vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị điều chỉnh lại phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện cũng như hình thức hợp đồng dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức đối tác công tư.  
Phối cảnh một đoạn Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.
Phối cảnh một đoạn Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Đề nghị điều chỉnh lại một loạt tiêu chí

Liên quan đến phạm vi, quy mô Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (DA), theo Tờ trình số 157/TTr –UBND ngày 27/7/2020 của UBND tỉnh Sơn La, địa phương này xin điều chỉnh bề rộng nền đường giai đoạn 1 thành Bn= 13,5m (giảm 3,5m so với trước), chiều dài tuyến thành L=84 km (giảm 1 km), trong đó đoạn qua tỉnh Hòa Bình dài 49km, đoạn qua tỉnh Sơn La dài 35km. Vị trí điểm đầu cũng được đề nghị thay đổi tại km29 đường Hòa Lạc-Hòa Bình (trước đây là km66+700 QL6). 

Ngoài ra, tổng mức đầu tư, Sơn La đề nghị điều chỉnh thành 22.033 tỷ đồng (giảm 261 tỷ đồng); điều chỉnh hình thức hợp đồng từ kết hợp BOT với BT sang hình thức hợp đồng BOT có sự tham gia của Nhà nước trong DA. Theo đó, phần quỹ đất thực hiện BT khoảng 5.000 tỷ đồng chuyển sang thực hiện đấu giá đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tạo nguồn thu để đối ứng thực hiện DA. 

Về cơ cấu nguồn vốn cho DA, tỉnh Sơn La cũng đề nghị điều chỉnh lại như sau: Trong 22.033 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư tự huy động là 12.083 tỷ đồng, vốn NSNN là 9.950 tỷ đồng (ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 là 5000 tỷ đồng, ngân sách trung ương là 4.950 tỷ đồng). 

UBND tỉnh Sơn La cũng đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện DA (giai đoạn 1) theo hướng phân kỳ đầu tư thành các dự án thành phần, bao gồm: DA thành phần 1- đoạn tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Sơn La dài 35km và đoạn nối tuyến cao tốc với QL6 tại ngã ba Đồng Bảng, huyện Mai Châu dài khoảng 1km (đoạn nối thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình), cải tạo đoạn QL43 nối cuối tuyến cao tốc dài khoảng 3km, tổng mức đầu tư khoảng 6.209 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2024, thu phí hoàn vốn trong 20 năm. 

DA thành phần 2 - đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 49km, tổng mức đầu tư 15.824 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ 2022-2026. Tổng thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn toàn dự án trong 24 năm.  

Vì sao phải xin điều chỉnh lại?

Trong tờ trình gửi Chính phủ, tỉnh Sơn La đã đưa ra một loạt lý do để giải trình việc đề nghị điều chỉnh lại quy mô, tổng mức đầu tư, hình thức hợp đồng cũng như thời gian thực hiện DA.   

Lý do điều chỉnh phạm vi, quy mô, điểm đầu tuyến của DA, theo tỉnh Sơn La là để phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển đô thị và việc triển khai DA cầu Hòa Bình 4 của UBND tỉnh Hòa Bình. Do việc điều chỉnh lại điểm đầu tuyến, điều chỉnh hướng tuyến đoạn km30-km60, điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là các công trình cầu lớn, kéo theo làm thay đổi tổng mức đầu tư DA. 

Việc điều chỉnh hình thức hợp đồng DA, UBND tỉnh Sơn La giải thích: Việc lập báo cáo NCKT, xây dựng khung hợp đồng hỗn hợp gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nhiều quy định của pháp luật (Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, Luật Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…) và để phù hợp với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV (có hiệu lực từ 1/1/2021), quy định dừng nghiên cứu mới các dự án BT. 

Cũng theo tỉnh Sơn La, do điều chỉnh hợp đồng DA từ kết hợp BOT và BT thành hợp đồng BOT có sự tham gia của Nhà nước  dẫn đến cơ cấu sử dụng nguồn vốn có sự thay đổi so với chủ trương về nguồn vốn sử dụng. 

Trong tờ trình gửi các cơ quan trung ương, tỉnh Sơn La cho hay: Sở dĩ phải đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện DA là do các thay đổi về phạm vi, quy mô, cơ cấu nguồn vốn và tổng mức đầu tư DA; các chỉ số, kịch bản phát triển có sự thay đổi theo chiều hướng giảm so với dự báo trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được phê duyệt.

“Ngoài ra, khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, đặc biệt là vốn vay các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong thời điểm hiện tại; khả năng cân đối các nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn. Để đảm bảo tính khả thi về kinh tế-kỹ thuật và phương án tài chính của DA cần thiết phải thực hiện phân kỳ đầu tư cho phù hợp”- tỉnh Sơn La nhấn mạnh. 

Được biết, trên cơ sở đề nghị của Sơn La, mới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, TN&MT, Xây dựng, GTVT, NN&PTNT  tiến hành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư DA cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu.  

Đọc thêm