Chi thu nhập tăng thêm: Cần đánh giá đúng năng lực, tránh cào bằng

(PLO) - Nhằm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP HCM, sáng qua (2/3), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố này đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý (Đề án). 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hơn 2.340 tỉ đồng kinh phí trong năm 2018

Nêu lên sự cần thiết của Đề án, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM cho biết, trong giai đoạn 2013-2017, năng suất lao động của TP gấp 2,7 lần năng suất bình quân cả nước; năng suất phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước thành phố gấp 1,5 lần cả nước. Trong khi đó, thu nhập hiện nay của CBCCVC thành phố được thực hiện theo quy định chung cho cả nước, chưa tương xứng với năng suất lao động bình quân thực tế của TP và chưa đáp ứng được mức chi phí sinh hoạt tại đô thị như TP HCM.

Dự thảo Đề án do Sở Tài chính TP HCM xây dựng. Quan điểm được TP đưa ra là việc trả mức thu nhập phù hợp cho CBCCVC trên cơ sở hiệu quả lao động trong khả năng, phạm vi cân đối nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo tương xứng với năng suất lao động; khuyến khích, tạo động lực cho CBCCVC. Việc chi thu nhập tăng thêm gắn liền với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập… 

Theo tính toán của Sở Tài chính, kinh phí để thực hiện tăng thu nhập cho cán bộ, công chức gồm trên 140.000 người trong năm 2018 là hơn 2.340 tỉ đồng. Theo đó, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị giai đoạn 2018-2020 theo lộ trình như sau: Năm 2018 tăng tối đa 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tối đa 1,2 lần và năm 2020 tối đa 1,8 lần.

Đối tượng áp dụng là CBCCVC thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ không chuyên trách ở cấp xã – phường – thị trấn được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Theo Sở Tài chính TP, căn cứ hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa của từng năm nêu trên, các cơ quan, đơn vị thực hiện hệ số điều chỉnh tăng thu nhập cho từng CBCCVC theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (Sở Nội vụ), đảm bảo nguyên tắc “gắn với hiệu quả công việc” và không cào bằng.

Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại đơn vị là nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định hiện hành, được sử dụng theo trình tự: nguồn cải cách tiền lương của đơn vị từ năm trước chuyển sang; nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp theo quy định; nguồn cải cách tiền lương được trích lập từ nguồn thu được để lại hàng năm theo quy định của cấp có thẩm quyền… Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 1/4/2018 đến ngày 31/12/2020. 

Phải có sự cạnh tranh giữa các đơn vị

Đồng tình với các nội dung cơ bản trong dự thảo, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM chia sẻ: “Nghị quyết 54 được Quốc hội thông qua đến nay đã hơn 3 tháng và được thí điểm trong 5 năm. Hiện nay TP đã có nhiều đề án bắt đầu khởi động để thực hiện… Đây là một đề án đem lại niềm vui cho CB CCVC thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý”. Tuy vậy, ông Ngân cũng như nhiều ý kiến tại hội nghị đề nghị khi thực hiện việc chi thu nhập tăng thêm cho CBCCVC phải có sự cạnh tranh giữa các đơn vị, đơn vị nào xuất sắc hơn thì sẽ hưởng cao hơn.

“Thứ nhất là cần phải lượng hóa mức độ hoàn thành công việc trong số lượng công việc đã phục vụ nhân dân thế nào để làm tiêu chí hàng đầu. Thứ hai là tránh cào bằng giữa các đơn vị. Đơn vị top đầu thì được hưởng ngay 1,8 từ năm đầu. Đơn vị nào top cuối thì 0,6. Đơn vị nào muốn hưởng cao hơn thì phải thay đổi thứ hạng. Như vậy hệ số này không chỉ xác lập đối với từng công chức mà cần phải xác lập đối với từng đơn vị”- ông Võ Trí Hảo, Phó Trưởng Khoa Luật – Đại học Kinh tế TP HCM kiến nghị.

Cùng quan điểm này, nhiều câu hỏi khác cũng đã được đặt ra: “Liệu người đứng đầu có quyết được việc đánh giá cán bộ hay không?”, “Có diễn ra việc đánh giá không đúng thực chất sẽ gây tâm lý lo lắng, thậm chí mất đoàn kết nội bộ?”. Và, giải quyết vấn đề này, theo quan điểm của một số ý kiến tại hội nghị thì nên đánh giá chất lượng CBCCVC hàng tháng, hàng quý để đến cuối năm, việc đánh giá sẽ đảm bảo tính chính xác. Quan trọng hơn, thông qua việc đánh giá (thực chất, tránh cào bằng) sẽ làm cho việc đóng góp hiệu quả hơn, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách. Từ tăng thu ngân sách sẽ có nguồn để chi thu nhập tăng thêm.

Cho rằng Nghị quyết của Quốc hội cho phép TP tăng ngay 1,8 lần thu nhập cho CBCCVC nhưng ông Trần Hoàng Ngân lại băn khoăn về nguồn kinh phí để thực hiện. Theo ông Ngân, đây là bài toán không dễ nên Sở Tài chính mới tính toán, đưa ra lộ trình tăng từng năm. “Nhưng tôi vẫn kiến nghị tăng càng sớm càng tốt. Nếu điều kiện cho phép có thể áp dụng ngay mức cao nhất là 1,8 lần. Tranh thủ cơ hội này đem lại niềm tin và động viên tinh thần làm việc cho CBCCVC” – Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM nói, đồng thời đề nghị nên có thêm đề án đánh giá cán bộ công chức, viên chức kèm theo Đề án này.

Theo các đại biểu, thời gian thực hiện Nghị quyết 54 là 5 năm và chúng ta đã mất 3 tháng để chuẩn bị các dự thảo. Vì thế, cần phải nhanh chóng hoàn chỉnh để đề án được thực hiện, tạo niềm vui, động lực cho toàn thể CBCCVC. 

Đọc thêm