Có doanh nghiệp bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh

(PLO) - Hôm qua (8/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn để các nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công. “Tôi xin nêu một ví dụ mới nhất, đó là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ “nhôm” diễn ra ở TP Đà Nẵng. Nhà nước được cái gì?”, Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.

Pháp luật thuế phải bảo vệ quyền lợi người nộp thuế

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực, những thành tích của ngành tài chính đã đạt được. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ  cho rằng, trách nhiệm của ngành rất nặng nề, còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Chính sách tài chính cần chủ động để khắc phục những khiếm khuyết của một nền kinh tế bước đầu vào kinh tế thị trường. “Bộ Tài chính không chỉ là bộ quản lý tiền bạc, mà chính sách, công cụ tài chính phải thúc đẩy sự phát triển, chống tham nhũng, lãng phí…”- Thủ tướng kỳ vọng.

Thủ tướng  thẳng thắn nêu thực trạng chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và DN. “Có DN cố tình vi phạm nhưng cũng có DN bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh, là lỗi từ phía cơ quan nhà nước!”- Thủ tướng khẳng định.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Thủ tướng cho rằng: “Chính sách thuế nói riêng và chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài, từ 5 – 10 năm…”. Thủ tướng cũng thẳng thắn khi nhấn mạnh thực tế là chính sách thuế luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước; quyền lợi của người nộp thuế ít được quan tâm bảo vệ. “Đây là vấn đề lớn mà toàn ngành Thuế phải tập trung thảo luận. Việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế…”- Thủ tướng lưu ý.

Một vấn đề nữa, theo Thủ tướng, định hướng cơ chế về thu NSNN hiện nay vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như  kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử… mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng Facebook…

“Đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu này. Do vậy, quan điểm chủ đạo là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH…”- Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng cho rằng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì chính sách tài chính, chính sách thuế còn chậm, các quy định về chính sách thuế chưa theo kịp, chưa tương thích với quy định của OECD, Liên Hợp quốc, UNDP nên các hoạt động chuyển nhượng gián tiếp ngoài Việt Nam giữa các tập đoàn nước ngoài như chuyển nhượng vốn, cổ phần, chuyển giao tài sản vô hình… thường không thu được thuế hoặc có thu thì cũng xảy ra tranh chấp quốc tế.

Cải cách để doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi nhiều hơn 

Mặc dù hoàn thành vượt dự toán nhiệm vụ thu ngân sách, song Thủ tướng cũng lưu ý bài toán cân đối NSNN chưa vững chắc khi các năm gần đây, năm nào, các địa phương cũng đủng đỉnh vượt dự toán thu ngân sách sớm còn ngân sách TW thì  “vắt chân lên cổ”, đến phút thứ 90 mới có thể nói là bảo đảm thu ngân sách TW. “Đây là vấn đề cần được bàn, được thảo luận để thực hiện đúng tinh thần ngân sách TW là chủ đạo của NSNN”- Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng  cũng lưu ý thực trạng cơ chế quản lý hóa đơn GTGT hiện còn bất cập lớn trong quản lý thuế nói riêng, quản lý kinh tế nói chung, đặc biệt, việc cơ quan Công an đã khởi tố liên tục các vụ DN ở Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM mua bán hóa đơn bất hợp pháp, gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng nghìn tỷ đồng, cho thấy lỗ hổng rất lớn về chính sách thiếu cơ sở kiểm soát hiệu quả, dẫn đến làm méo mó môi trường kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, thất thu ngân sách, mất cán bộ… Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tập trung xử lý ngay vấn đề này, đưa nhanh vào áp dụng hóa đơn điện tử trong nền kinh tế, kết hợp với cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.

Đánh giá cải cách hành chính về thuế đã tiến được một bước rất dài, chỉ số nộp thuế theo xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đã tăng mấy chục bậc và  đứng thứ 4 ở ASEAN, người dân và DN hưởng lợi hàng trăm nghìn tỷ đồng với cải cách quan trọng này, song Thủ tướng lưu ý, ngành Tài chính không được say sưa với thành công này mà phải tận dụng cách mạng công nghệ 4.0 để đẩy nhanh hơn nữa điện tử hóa tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành như cấp mã số thuế điện tử, các thủ tục trước bạ ô tô, nhà đất đều điện tử… tiếp đến kiểm tra điện tử, thanh tra điện tử. “Phải làm cho người dân và DN hưởng lợi nhiều hơn nữa quá trình cải cách hành chính về thuế.”- Thủ tướng nhấn mạnh…

Đọc thêm