Cụ thể hóa Nghị quyết 50/NQ-TW về FDI: Barie nào với nhà đầu tư nước ngoài?

(PLVN) - Rà soát an ninh các Dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN), đồng thời chủ động thu hút, hợp tác ĐTNN có chọn lọc là những yêu cầu nổi bật nhất mà Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030 đã đặt ra. Định hướng này sẽ được cụ thể hóa như thế nào?
Cụ thể hóa Nghị quyết 50/NQ-TW về FDI: Barie nào với nhà đầu tư nước ngoài?

“Tường lửa” với dự án phương hại đến an ninh, quốc phòng...

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, Dự án Luật Đầu tư (ĐT) sửa đổi mới nhất trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm định cuối tháng 8 vừa qua cơ bản đã bám sát Nghị quyết 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị. 

Nhìn lại thực tiễn hơn 4 năm thi hành Luật ĐT số 67/2014/QH13, bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chỉ ra một loạt những tồn tại, bất cập, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của Luật.

Liên quan đến thu hút ĐTNN, Thứ trưởng cho biết, các lĩnh vực, ngành, nghề ưu đãi, hỗ trợ ĐT còn dàn trải, chưa thật sự hướng mạnh vào việc thu hút các nguồn lực ĐT nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ đang diễn ra nhanh chóng trong bối cảnh cuộc Cánh mạng công nghiệp 4.0.

Một số tiêu chí, điều kiện và hình thức áp dụng ưu đãi ĐT chưa linh hoạt, chậm được đổi mới để đáp ứng yêu cầu thu hút các nguồn vốn ĐT có chất lượng cao, khuyến khích hoạt động đổi mới, sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D), thúc đẩy liên kết ngành, liên kết giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn ĐTNN…

Đặc biệt trong thời gian qua đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực và vấn đề mới phát sinh trong hoạt động của các dự án ĐTNN (như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, ĐT “chui”, “núp bóng” thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam...).

Chính vì vậy, quán triệt tinh thần Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, tại Điều 5 (Chính sách về ĐT kinh doanh), ngoài quy định như trước đây: “Nhà ĐT được quyền thực hiện hoạt động ĐT kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”, Dự thảo bổ sung thêm ý: “…và phải đáp ứng điều kiện kinh doanh khi kinh doanh trong ngành, nghề ĐT kinh doanh có điều kiện”.

Đặc biệt, Dự thảo bổ sung thêm Khoản 3, Khoản 4 với nội dung: “Nhà ĐT không được đăng ký, chấp thuận hoặc bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động ĐT kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và môi trường” và “Nhà ĐT tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động ĐT kinh doanh, bảo đảm thực hiện dự án ĐT phù hợp với quy hoạch, tuân thủ quy định của pháp luật về ĐT, đất đai, xây dựng, môi trường và quy định của pháp luật có liên quan...”

Bổ sung ngành nghề ưu đãi đầu

Để thu hút có chọn lọc các dự án ĐTNN có chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết 50/NQ-TW, Dự thảo đã bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà ĐTNN theo cách tiếp cận chọn bỏ.

Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung một số ngành, nghề hoạt động ĐT khác vào khoản 1 Điều 17, gồm: hoạt động R&D; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung về ngành, nghề và địa bàn ưu đãi ĐT; Quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương ĐT; Thủ tục thực hiện hoạt động ĐT của nhà ĐTNN; Quy định về thủ tục triển khai thực hiện dự án ĐT; Các quy định về ĐT từ Việt Nam ra nước ngoài. 

Cụ thể, Khoản 1, Điều 19 dự thảo quy định: “Chính phủ quyết định áp dụng mức ưu đãi ĐT bổ sung nhằm khuyến khích phát triển một số ngành, dự án của tập đoàn đa quốc gia, dự án có tác động lớn đến kinh tế -xã hội”. Đồng thời quy định rõ Dự án có tác động lớn đến kinh tế - xã hội là những dự án nào (Dự án thành lập mới hoặc mở rộng các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có tổng vốn ĐT từ 6.000 tỷ đồng trở lên; Dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi ĐT có quy mô vốn ĐT từ 30 nghìn tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10 nghìn tỷ đồng trong thời hạn 03 năm).

Trong điều khoản này cũng quy định rõ thời hạn và mức áp dụng ưu đãi ĐT đặc biệt bao gồm mức ưu đãi ĐT đặc biệt không cao hơn quá 50% mức cao nhất theo quy định của pháp luật và thời hạn áp dụng ưu đãi đối với dự án ưu đãi ĐT đặc biệt tối đa không quá gấp 2 lần so với thời hạn ưu đãi dài nhất theo quy định của pháp luật.

Để chặt chẽ hơn, Dự thảo cũng quy định: “Căn cứ mục tiêu, yêu cầu thu hút ĐT trong từng thời kỳ và thông lệ quốc tế, Chính phủ quy định việc áp dụng thí điểm các hình thức ĐT, loại hình tổ chức kinh tế mới và chính sách ưu đãi, hỗ trợ ĐT đối với các hình thức ĐT, loại hình tổ chức kinh tế này…”.

Được biết, trong thời gian tới, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu chỉnh lý, giải trình các ý kiến của các đại biểu về Dự thảo Luật ĐT sửa đổi, từ đó tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

* GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp: 

“Nghị quyết phải được thực thi đầy đủ…”

“Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị trong đó có yêu cầu đảm bảo an ninh trong các dự án ĐTNN, đây là điều mà nhân dân vô cùng mong chờ từ Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, nhân dân mong hơn là được nhìn thấy yêu cầu này được thực thi đầy đủ.

Chúng ta cần phân biệt rạch ròi những nhà ĐT đến Việt Nam với nguồn tiền của Chính phủ, mang theo những mục đích chính trị, quân sự với những nhà ĐT chân chính. Cần phân biệt giữa những nhà ĐT đến Việt Nam đem đến nợ nần chồng chất, đem đến những công trình xây xong để ngắm như bảo tàng công nghệ lạc hậu, chỉ muốn ĐT để Việt Nam không bao giờ phát triển được với những nhà ĐT có tâm thế hai bên cùng có lợi, muốn Việt Nam phát triển.

Những nhà lãnh đạo đất nước từ TW đến địa phương hãy đừng để tiếp tục xảy ra nghịch lý trong bảo vệ chủ quyền của đất nước. Đó là trong lúc các chiến sỹ biên phòng, các chiến sỹ hải quân chịu đựng vô vàn gian khổ để bảo vệ từng tấc đất, bảo vệ từng mét vuông hải đảo, biển của Tổ quốc thì ngay sâu trong lãnh thổ của chúng ta mọc lên những vùng đất, những khu đô thị mà người Việt Nam không được phép vào, kể cả những cán bộ có thẩm quyền quản lý nhà nước. Đây là một thực tế vô cùng đáng lo ngại mà tinh thần của Nghị quyết cần được cụ thể hóa…”.

* GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE):

“Chúng ta đang thiếu nhiều định mức quốc gia…”

“Tâm lý nhà ĐT ai cũng muốn ưu đãi, chọn lựa, nhưng đã đến lúc chúng ta phải đứng lên và suy nghĩ theo cách của mình. Chúng ta cũng nên tham khảo ý kiến của ADB, WB, IMF nhưng tất cả các ý kiến chỉ là tham khảo, người quyết định phải là chúng ta.

Hai khổ đầu của Nghị quyết, Bộ Chính trị vẫn ưu tiên thu hút FDI, bảo hộ quyền của nhà ĐT, còn ở dưới chỉ là giải pháp cụ thể. Tôi cho rằng, nếu những nhà ĐT chân chính, có chiến lược ĐT rõ ràng, muốn tìm kiếm lợi nhuận và gắn bó với Việt Nam thì họ sẽ không sợ gì cả.

Về hậu kiểm các dự án, chúng ta đang thiếu rất nhiều định mức quốc gia, tôi nghĩ các Bộ, ngành sau khi được phân cấp quyết định và trách nhiệm rồi nên hoàn thành định mức quốc gia. Tiếp đến là phải thanh tra, giám sát, không chỉ là con người mà cả công nghệ, tránh để xảy ra tình trạng thảm họa môi trường như đã xảy ra ở miền Trung như Formosa…”.

Đọc thêm