Đà Nẵng: Doanh nghiệp kinh doanh khách sạn thiệt hại nặng do dịch Covid-19

(PLVN) - Sau đợt bùng phát dịch Covid lần thứ 2 tại Đà Nẵng, ngành du lịch trên địa bàn thành phố đang vô cùng khó khăn. Tình trạng này chưa từng diễn ra trước đây khiến cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn khổ sở không biết phải đối phó thế nào.

Đường Võ Nguyên Giáp, nơi tập trung dãy khách sạn 4, 5 sao với chi phí xây dựng lên đến hàng triệu đô, nay đìu hiu, vắng bóng xe cộ. Các khách sạn đang trong tình trạng “đắp chiếu” vì không có khách du lịch.

Các khách sạn điêu đứng vì không có khách.
 Các khách sạn điêu đứng vì không có khách.

Kinh doanh không được, chủ khách sạn vẫn phải gồng gánh việc duy trì nhân viên, dù số lượng ít ỏi. Công tác bảo trì, bảo dưỡng phòng ốc, tránh ẩm mốc, xuống cấp vẫn cần có bàn tay con người.

Anh Nguyễn Ngọc T (30 tuổi), nhân viên một khách sạn 4 sao trên đường Võ Nguyên Giáp chia sẻ: ”Tính cả hai đợt dịch đến thời điểm này thì khách sạn đã đóng cửa 6 tháng. Phòng ốc ẩm mốc, xuống cấp. Điều hòa thỉnh thoảng phải bật để hạn chế ẩm”.

Khách sạn lớn thì như vậy, còn những khách sạn 3 sao trở xuống và các cơ sở lưu trú cũng không mấy sáng sủa. Chi phí bảo trì bảo dưỡng thấp hơn nhưng vẫn là đáng kể, cộng thêm việc đảm bảo thu nhập cho người lao động còn làm việc khiến các chủ doanh nghiệp khách sạn vừa và nhỏ cũng như cơ sở lưu trú gặp nhiều khó khăn.

Anh Phan Trường T (27 tuổi), chủ khách sạn Sunrise Sea trên đường Ngô Quyền bộc bạch: “Dịch bùng nổ thì địa phương đóng cửa nhiều điểm du lịch, tạm dừng hoạt động hết, những tour du lịch cũng hủy đặt phòng, hủy vé hết để đảm bảo an toàn cho người dân. Thiệt hại cả kinh tế, tinh thần và con người. Nhân sự thì cắt giảm bớt. Với những người ở lại, chúng tôi vẫn phải đảm bảo lương cho họ dù khách sạn không có nguồn thu”.

Không những phải đóng cửa vì không có khách, hàng loạt khách sạn còn đang rao bán trên các trang mua bán bất động sản online. Các khu vực trọng tâm về du lịch khắp địa bàn thành phố như tuyến đường Võ Nguyên Giáp, con đường chạy dọc vịnh Đà Nẵng – Nguyễn Tất Thành, khu phố tây An Thượng… đều có khách sạn, đa phần từ 3 sao trở xuống, được rao bán.

Các khách sạn không duy trì nổi, phải bán để cắt lỗ.
 Các khách sạn không duy trì nổi, phải bán để cắt lỗ.

Giai đoạn nới lỏng giãn cách hiện nay lại trùng với thời điểm cuối mùa du lịch, do đó, việc đi đến đóng cửa hay phải rao bán khách sạn đang và sẽ là tình trạng không của riêng cá nhân hay tổ chức nào đã đầu tư vào loại hình dịch vụ này. Đây thật sự là năm "đáng buồn và cũng đáng quên bậc nhất" trong lịch sử kinh doanh khách sạn của nhiều doanh nghiệp dù là mới hay đã hoạt động lâu năm.

Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịnh Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Khó khăn chồng chất. Đà Nẵng có gần 1.100 khách sạn, đến bây giờ chưa đến 50 khách sạn có kế hoạch mở cửa lại. Doanh nghiệp quy mô càng lớn, cơ cấu nợ vay càng nhiều, nhân lực càng nhiều thì thiệt hại càng nặng”.

Dự báo số lượng khách sạn có thể đóng cửa hoặc rao bán trong tương lai gần vẫn chưa dừng lại. Ông Cao Trí Dũng nhận định, trong số các doanh nghiệp khách sạn không trụ được sẽ có những trường hợp không còn phù hợp với trạng thái bình thường mới. Do đó, bên cạnh những thách thức thì đây còn là cơ hội để sàng lọc, sắp xếp, tái cấu trúc và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây là tuân theo quy luật thị trường.

Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, khoảng 25% số khách sạn, căn hộ lưu trú du lịch đang phải rao bán vì Covid-19. Uớc tính thiệt hại tổng thu của ngành du lịch Đà Nẵng trong năm 2020 khoảng 26.000 tỉ đồng.

Đọc thêm