Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng để đẩy lùi tín dụng đen

(PLVN) - Lần đầu tiên, một hội nghị tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen (TDĐ) đã được Ngân hàng nhà nước (NHNN) và Bộ Công an phối hợp tổ chức tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đều thống nhất khi cho rằng đẩy mạnh tín dụng ngân hàng chính là giải pháp hữu hiệu đẩy lùi TDĐ…
Lãnh đạo Bộ Công an, NHNN chủ trì giải đáp thắc mắc của người dân tại Hội nghị.
Lãnh đạo Bộ Công an, NHNN chủ trì giải đáp thắc mắc của người dân tại Hội nghị.

Cảnh giác với tìn dụng đen

Mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng sáng nay - 17/10, hội trường Nhà văn hóa  huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) rất đông bà con đến từ sớm để nghe tuyên truyền về TDĐ. Phía ngoài hội người, một người dân đến muộn không còn chỗ ngồi chia sẻ với PV rằng ông cũng đã nghe nói về TDĐ nhưng cũng “chưa biết thế nào”. “Nhiều khi có nhu cầu vay một vài triệu đồng giải quyết công việc gia đình nhưng chả biết vay ở đâu, thủ tục như thế nào…” - người này chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Nguyễn Văn Thành.
Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Nguyễn Văn Thành. 

Phía trong hội trường, bà con rất chăm chú xem các video trình chiếu tiểu phẩm, clip về nạn TDĐ, nghe đại diện Bộ Công an chia sẻ về các dấu hiệu nhận biết TDĐ và cách xử lý vấn đề khi đã rơi vào bẫy TDĐ.

Trung tá Ngô Hồng Vương - Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an - trong bài trình bày của mình nhắc đi nhắc lại các dấu hiệu của TDĐ. Ông đặc biệt nhấn mạnh 2 đặc trưng cơ bản để bà con xác định và nhận diện TDĐ. Đó là lãi suất cho vay vượt quá lãi suất pháp luật quy định (trên 20%/năm) và việc thu hồi nợ, lãi thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

“Thực tế, trong nhiều trường hợp, các đối tượng cho vay lên tới 300 - 700%/năm. Nếu các con nợ không trả nợ đúng hẹn, các đối tượng cho vay thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng giang hồ bên ngoài tổ chức các hình thức như: Đòi nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần như ném chất bẩn, đặt vòng hoa, quan tài, sử dụng sim rác để đe dọa, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, gây rối tại nơi ở, nơi kinh doanh của con nợ….”-  Trung tá Ngô Hồng Vương dẫn chứng.

Ông cũng không quên nhắc nhở bà con tuyệt đối cảnh giác với những đối tượng tự xưng là công an hay Viện kiểm sát đến đòi nợ và khuyên bà con nếu trót rơi vào TDĐ cần liên hệ ngay với cơ quan công an để giải quyết…

Tín dụng ngân hàng phải dễ tiếp cận

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, nhu cầu vay cho sinh hoạt, phục vụ đời sống là chính đáng Đảng, Chính phủ và ngành ngân hàng cũng xác định sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu chính đáng này. 

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.
 Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.

“Nhiều bà con nghĩ đến vay tiền từ ngân hàng là rất khó khăn, nhiều thủ tục. Trong khi đó lại có nhiều người lợi dụng chuyện khó khăn, hiểu biết chưa đầy đủ của bà con để phát triển TDĐ, cho vay với lãi suất "cắt cổ" khiến cho bà con rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí hết sức đau lòng…” - Phó Thống đốc phát biểu.

Đồng thời khẳng định, trên thực tế, các thủ tục vay vốn ngân hàng rất đơn giản, dễ dàng, lãi suất thấp nếu bà con có nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh chính đáng (chứ không phải vay để ăn chơi, lô đề, cờ bạc..).

Đại diện Agribank, ông  Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc, cho biết, ngân hàng này đã dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình (như khám chữa bệnh, chi phí học tập mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình…), nhưng thực tế kết quả doanh số cho vay 19.000 tỷ đồng (gấp gần 4 lần quy mô dự kiến ban đầu 5.000 tỷ đồng) với trên 400 ngàn khách hàng được vay vốn để đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân, trong đó tại Hòa Bình doanh số cho vay đạt gần 300 tỷ đồng với trên 3.600 lượt khách hàng. Kết quả này đã góp phần đẩy lùi TDĐ, thực hiện đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện Agribank cũng khẳng định, thông qua hơn 2.300 điểm giao dịch trong toàn quốc, Agribank cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn cấp bách, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng hợp pháp với hồ sơ thủ tục, hồ sơ vay vốn giải quyết nhanh gọn và ưu tiên thực hiện xét duyệt, giải ngân ngay trong ngày cho khách hàng khi Ngân hàng nhận được đầy đủ bộ hồ sơ theo quy định. Thời gian cho vay tối đa 12 tháng. Số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng thông qua việc cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ, cho vay thấu chi. 

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Trần Lan Phương cho biết, Ngân hàng đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng  phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế TDĐ như: nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/ hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Bà Phương cũng cho biết, qua rà soát toàn hệ thống, NHCSXH chưa phát hiện được khách hàng nào của NHCSXH có vay vốn trực tiếp từ TDĐ, chỉ có khoảng 150 hộ vay vốn có ảnh hưởng gián tiếp từ TDĐ (gia đình có con em dính líu tới TDĐ).

“Trên cơ sở đó NHCSXH dự kiến sẽ đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho triển khai phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu thiết yếu chính đáng của cuộc sống, góp phần đẩy lùi “TDĐ”...” - bà Phương cho hay. 

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trao các suất quà tặng hộ nghèo, gia đình chính sách các xã của 2 huyện Lạc Thủy, Kim Bôi.
 Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trao các suất quà tặng hộ nghèo, gia đình chính sách các xã của 2 huyện Lạc Thủy, Kim Bôi.

Tại hội nghị, nhiều người dân đã mạnh dạn bày tỏ nhu cầu muốn vay gấp để cưới con, sinh nở hay cho con đi học thì vay ở đâu, thủ tục như thế nào? Thắc mắc của các bào con đã được các ngân hàng giải đáp ngay tại Hội nghị..

“Khi có ý đinh vay vốn, rất mong bà con hãy đến ngân hàng hỏi thủ tục, cách thức, lãi suất trước. Tức là người đi vay cần chủ động đến ngân hàng, vì thực tế, TDĐ đã làm việc này từ trước, khi chui vào từng lối xóm, ngõ ngách để chào mời. Phía ngân hàng, tín dụng chính thức cũng sẽ chủ động đến với bà con - điều này sẽ thành chỉ thị của ngành ngân hàng: tuyên truyền, tờ rơi để bà con nắm thông tin về các khoản vay. Thí điểm đầu tiên sẽ là ở Lạc Thủy” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết, ngành ngân hàng cam kết thủ tục đơn giản, thuận lợi, song với điều kiện thiện chí từ cả phía người vay:”Lần đầu thì phải chứng minh  nhân thân, nhưng vay xong sẽ trả đúng hạn, sử dụng đúng mục đích, thì những lần sau, ngân hàng sẽ cho vay rất nhanh chóng…..” - Phó Thống đốc quả quyết.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đã nhấn mạnh: “Phải chủ động phòng chống TDĐ, trong đó phòng là chính”. Riêng với lĩnh vực tín dụng ngân hàng, Thứ trưởng cũng cho rằng đẩy mạnh tín dụng ngân hàng chính là góp phần đầy lùi TDĐ. Ông cũng lưu ý, tín dụng ngân hàng cần tập trung vào 3 giảm: giảm thời gian, chi phí và giấy tờ.

“Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn tín dụng; chính quyền, Công an cơ sở phải hỗ trợ để đảm bảo an ninh tín dụng, phát triển bền vững”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.

Đọc thêm