Doanh nghiệp dệt may “vật lộn” với Covid-19

(PLVN) - Chỉ cách đây 1 tháng, doanh nghiệp (DN) dệt may (DM) còn hân hoan khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được thông qua và chuẩn bị có hiệu lực. Nhưng hiện giờ, tình hình đã trở nên thực sự đáng ngại… 
May 10 dự kiến sẽ phải nghỉ 2-3 ngày công trong tháng 4.
May 10 dự kiến sẽ phải nghỉ 2-3 ngày công trong tháng 4.

Sẽ thiếu nguyên phụ liệu sản xuất

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, những lo ngại về vấn đề nguyên phụ liệu sản xuất đã được các cơ quan chức năng và DN bàn đến và tìm hướng nhập nguyên phụ liệu mới. Thậm chí việc dừng sản xuất đã được một vài hiệp hội ngành hàng nhắc đến trong tình hình không thể có nguyên phụ liệu để sản xuất. Số nguyên phụ liệu hiện có tại hầu hết các DN DM đều có thể cầm cự sản xuất đến hết tháng 3.

Tổng Công ty May 10 cũng nằm trong danh sách DN lo thiếu nguồn nguyên liệu. Mỗi tháng DN này phải sản xuất khoảng 1.000 mã hàng với công xuất 1,2 triệu áo sơ mi/tháng nhưng do nguồn nguyên liệu đang thiếu nên rất khó để May 10 có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong thời gian tới. Thậm chí, do thiếu nguồn cung, một số nhà máy trong 15 nhà máy trực thuộc Tổng Công ty đã phải nghỉ tới 39 ngày trong giai đoạn vừa qua.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10, thông tin với PLVN: “Tính trung bình, trong tháng 2, toàn Tổng Công ty nghỉ 1 ngày công. Trong tháng 3 cũng sẽ nghỉ trung bình 1 ngày công nhưng đến tháng 4, có thể phải nghỉ khoảng 2-3 ngày công dù May 10 đang cố gắng thúc giục các nhà cung cấp Trung Quốc sớm cung cấp nguyên phụ liệu theo các đơn hàng đã đặt”.

Tuy nhiên, ông Việt cũng cho biết, khó khăn hiện tại không phải chỉ là nguồn nguyên vật liệu. Bởi thực tế, nguồn cung này có cơ may được cung cấp khi DN Trung Quốc hoạt động trở lại. Nhưng trước mắt, May 10 dự kiến sẽ thiếu nguyên phụ liệu trong khoảng 25 ngày đầu tháng 4.

Nếu giục được các đối tác chuyển được đúng đề nghị của mình thì vấn đề nguyên phụ liệu không còn quá khó nữa…” - ông Việt nói và cho hay, nếu như trước đây chủ yếu lo lắng về nguồn cung nguyên phụ liệu và tiêu thụ nội địa vì sợ dịch, sức mua giảm khi người dân chỉ mua hàng thiết yếu thì giờ đây dịch đã xảy ra trên toàn cầu. Các đơn hàng xuất khẩu (XK) sẽ bị ảnh hưởng mạnh, nhất là các đơn hàng đi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. 

Lo chống dịch, quên luôn… EVFTA ?

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp để tháo gỡ cho các DN đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng theo đại diện May 10, cần phải có cách nào đấy để có thể thực hiện được ngay. Ví dụ như việc cho phép DN chậm nộp Bảo hiểm xã hội phải được hướng dẫn và đưa vào thực tế. Đặc biệt, cần xem xét có chính sách đối với các DN sử dụng nhiều lao động như DM…

Chưa gặp khó khăn khi phải cho người lao động nghỉ ngày công trong tháng nhưng Công ty May Hồ Gươm cũng chỉ đủ nguyên vật liệu để sản xuất cho đến hết tháng 3. Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty May Hồ Gươm, cho biết, Công ty vẫn đang giữ nhịp sản xuất cũ do đã chủ động nhập được nguyên liệu từ trước đây, vẫn giữ cường độ lao động như thời kỳ chưa có dịch nhưng hết tháng 3 mà không hết dịch thì tình hình sẽ khá căng thẳng. Hiện DN cũng không có đơn hàng mới hoặc nếu có cũng chưa chắc đã dám nhận vì không thể tìm được nguồn nguyên liệu. 

Giờ cả thế giới đều đang cuống cuồng lo chống dịch, mình có muốn tìm đầu vào nguyên liệu từ quốc gia khác cũng không thể được. Chưa kể đến việc, thế giới cũng bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc nên việc tìm được đầu vào khác cho ngành DM không hề dễ dàng” - ông Trịnh chia sẻ. May Hồ Gươm cũng chưa thể tính đến câu chuyện sau khi hết nguyên vật liệu (vào đầu tháng 4) sẽ lấy gì để sản xuất. 

Do đó, câu chuyện tận dụng EVFTA giờ dường như đang là một chuyện… xa lạ, dù dự kiến đến tháng 7/2020, Hiệp định này sẽ có hiệu lực, dù hầu hết các DN DM đều đang rất trông chờ vào việc thực thi Hiệp định này. Ông Trịnh khẳng định: “Hiện giờ chỉ lo sản xuất và chống dịch, châu Âu cũng đang trong cơn khủng hoảng nên cũng chưa để ý đến. Họ cũng đang phải vất vả chống dịch nên về lâu dài, các đơn hàng XK chắc chắn sẽ giảm sút”

Đây cũng là lo lắng mà đại diện May 10 chia sẻ: “Chỉ cách đây 10 ngày còn phải lo lắng việc thiếu nguyên liệu sản xuất để xuất hàng đi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, nhưng hiện nay các quốc gia ấy bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch. Tôi e rằng, trong dài hạn sức mua toàn cầu sẽ giảm, đơn hàng XK cũng sẽ giảm theo, DN sẽ ngày càng khó khăn hơn..” - ông Việt lo lắng.

Đọc thêm