Doanh nghiệp mong muốn chính sách được thực thi

(PLVN) - Hoan nghênh Chính phủ kịp thời ban hành các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song không ít DN tỏ ra chưa hài lòng khi các quyết sách của Chính phủ vẫn chưa được triển khai nhiều…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp “chết lâm sàng” mới được ưu đãi

Ngày 27/4, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV)- Thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất bổ sung nội dung trong dự thảo Nghị quyết “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19” mà Bộ KH&ĐT đang chuẩn bị trình Chính phủ.

Tại văn bản này, Ban IV cho rằng với tiêu chí  mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin “có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH phải nghỉ việc” mới được gia hạn chậm nộp phí công đoàn và BHXH thì khi đó DN đã kiệt quệ, “chết lâm sàng” không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí. 

Thêm vào đó, việc chứng minh thiệt hại cả về người và tài sản là hết sức phức tạp và đòi hỏi các quy trình hành chính mất rất nhiều thời gian, nhất là với các DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, vận tài hàng hóa đường bộ, logisitcs, du lịch, hàng không... chỉ cần cắt giảm 20% lao động đã là hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người mất việc.

“Cho nên, chính sách “hoãn đóng kinh phí công đoàn một số tháng trong năm 2020” dường như không đạt được mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh như cơ quan TLĐLĐVN dự định…” - Công văn của Ban IV khẳng định. Do đó, đơn vị này và các Hiệp hội kiến nghị phương án cho phép DN miễn đóng kinh phí công đoàn trong năm 2020. 

Tương tự với BHXH, việc chứng minh thiệt hại tài sản rất khó có tiêu chí, thước đo cụ thể để DN làm hồ sơ, cũng như thời gian cần để xác minh thì đặc biệt lâu vì nhiều thiệt hại không diễn biến hết ở những tháng trong dịch mà sẽ xảy ra ở những tháng kế tiếp (hàng tồn kho, các hợp đồng bị hoãn, hủy vô thời hạn, các đổ vỡ do chuỗi sản xuất dần đứt gãy...). Bên cạnh đó, khoản tiền đóng BHXH và các loại BH bắt buộc khác đang chiếm tỷ trọng chi không hề nhỏ trong quỹ tiền của DN.

Để hỗ trợ DN duy trì được dòng tiền, tập trung chi phục hồi SXKD, chi ổn định đời sống người lao động, các Hiệp hội và DN đặc biệt đề xuất và mong sự chia sẻ từ phía Nhà nước với chính sách cho chậm nộp BHXH và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác đến hết ngày 31/12/2020. 

Vẫn khó tiếp cận vốn

Trong văn bản gửi Chính phủ hôm 15/4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, việc thực hiện chính sách cho phép DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, chưa đồng đều tại các tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng. Một số ngân hàng đã hạ lãi suất vay cho DN, nhưng một số ngân hàng vẫn chưa.

VASEP cũng cho rằng chính sách này chỉ đang áp dụng đối với khoản vay tiền VNĐ mà không áp dụng cho các khoản vay bằng USD, trong khi đối với các DN xuất khẩu, nhu cầu vay vốn bằng tiền USD rất nhiều, nhưng chưa có chính sách hỗ trợ.

Về chính sách miễn giảm phí thanh toán, hiện một số TCTD đã giảm phí thanh toán đối với các khoản thanh toán nước ngoài, nhưng các khoản thanh toán, chuyển tiền trong nước chưa được giảm cho DN.

Về chính sách giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kể từ ngày 17/3/2020, với các DN sản xuất xuất khẩu, ngoài nguồn vốn bằng VNĐ, DN cũng rất cần nguồn vốn bằng USD. Vì vậy, VASEP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm bổ sung thêm chính sách giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD.

VASEP cũng phản ánh gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng được các ngân hàng cho khách hàng vay mới từ tháng 3/2020 với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5-1,5%/năm, hiện vẫn còn một số TCTD, ngân hàng vẫn đang để lãi suất cho vay cao. Gói hỗ trợ tín dụng này chỉ áp dụng đối với tiền VNĐ, không áp dụng cho tiền USD, nên giảm sự tiếp cận của DN…

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods phản ảnh, khi nghe có nguồn tín dụng 250.000 tỷ đồng, DN rất mừng vì đơn hàng có, nguyên liệu có, chỉ cần có vốn để đẩy mạnh sản xuất. Nhưng khi đặt vấn đề với các ngân hàng thì được trả lời rằng chưa có hướng dẫn cụ thể, gói tín dụng còn đợi phân bổ về…

Khi DN làm thủ tục xin gia hạn khoản vay đến hạn vào tháng 3, ngân hàng nói cứ từ từ và khuyên khi đã gia hạn có nghĩa là nợ xấu, sẽ bị đưa vào hồ sơ, DN sẽ gặp khó sau này… Đại diện DN này cho rằng, con số mấy trăm nghìn tỷ đang nằm ở đâu đó chứ chưa xuống DN...

Ông Huỳnh Quang Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Long trong một Hội nghị trực tuyến mới đây đã ví ngân hàng như cái “máy thở” của DN trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thế nhưng, theo ông Thanh, thực tế một số ngân hàng cho rằng dịch bệnh nên rủi ro nhiều hơn, lãi suất cho vay phải cao hơn… “Ngay tại thời điểm này, chủ trương của Chính phủ chưa thấy gì hết, chưa nhúc nhích gì hết. Tôi cho rằng chính sách ban hành ra phải có sự kiểm soát việc thực thi…” - Phó Chủ tịch VIFOREST đề nghị.

Đọc thêm