Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Không có chuyện lạm quyền, “giấy phép con“

(PLO) - Nhiều vấn đề quan trọng như hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tập trung kinh tế, các hành vi hạn chế cạnh tranh, tố tụng và điều tra các trường hợp vi phạm cạnh tranh, các biện pháp trừng phạt so với các biện pháp khoan hồng… sẽ được giải quyết thông qua Luật Cạnh tranh sửa đổi lần này.
Hội thảo “Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)”
Hội thảo “Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)”

Sáng nay (20/4), Ủy ban Kinh tế của QH phối hợp với Bộ Công thương và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)”.

Không có chuyện cơ quan cạnh tranh có thể lạm quyền

Giới thiệu về dự thảo Luật được chỉnh lý, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, trong các nội dung chỉnh lý, nội dung quan trọng nhất là bổ sung chương VII - Ủy ban cạnh tranh quốc gia, đảm bảo tính độc lập và hiệu quả hoạt động của Ủy ban này.

Chương này được bổ sung do nhiều ĐBQH hoài nghi về tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi luật của cơ quan cạnh tranh trong tương lai khi dự thảo Luật chưa quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này.

Trong khi theo Luật Cạnh tranh, cơ quan cạnh tranh là cơ quan hành chính bán tư pháp, có chức năng tiến hành các hoạt động tố tụng cạnh tranh một cách độc lập.

Nhưng bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam vẫn đề nghị cần quy định đặc thù cho Ủy ban này (dù còn nằm trong Bộ Công thương) để thực sự là một cơ quan quản lý về cạnh tranh xứng tầm của quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh (đứng): "tôi phủ nhận bất kỳ ý kiến nào cho rằng, cơ quan cạnh tranh có thể lạm quyền”
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh (đứng): "tôi phủ nhận bất kỳ ý kiến nào cho rằng, cơ quan cạnh tranh có thể lạm quyền”

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, dự thảo Luật đã bảo đảm cho Ủy ban cạnh tranh QG thực hiện cùng lúc làm 2 chức năng: quản lý nhà nước và xét xử các vụ việc cạnh tranh nên được bảo đảm sự độc lập (15 ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, không phải nghe lệnh bất kỳ ai khi xét xử, chỉ tuân theo pháp luật).

“Mọi quyết định của cơ quan cạnh tranh đều có thể bị kiện ra tòa nên tôi phủ nhận bất kỳ ý kiến nào cho rằng, cơ quan cạnh tranh có thể lạm quyền” – Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Xem xét để không miễn trừ tràn lan

Điều 14 dự thảo Luật quy định các trường hợp miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (cartel) bị cấm nếu đáp ứng một trong các điều kiện (giúp nâng cao cạnh tranh, hỗ trợ DN…) và có lợi cho người tiêu dùng thì DN lại phải làm hồ sơ xin miễn trừ (điều 15);

Cùng với đó là quy định về xin phép tập trung kinh tế (mua bán, sáp nhập…) dù đó là những hoạt động bình thường của DN. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DNVViệt Nam Hà Nội thống kê được DN cần 9 loại giấy tờ, thời gian kéo dài xử lý yêu cầu khoảng 2 tháng, (có thể đến 1 năm).

Bày tỏ phản đối 2 quy định trên vì cho là “cản trở, giống như giấy phép con trá hình đối với DN” trong dự thảo Luật, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đặt câu hỏi, “2 quy định này là lặp lại cơ chế xin cho. Tại sao không quy định hình thức hậu kiểm đối với các hành vi tập trung kinh tế?”.

Không đồng tình, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, cùng với sự độc lập, mọi hoạt động của Ủy ban cạnh tranh quốc gia đều được thực hiện theo khuôn khổ pháp luật nên không có chuyện “giấy phép con”.

Tán thành quy định về miễn trừ, bà Đinh Thị Mỹ Loan vẫn cho rằng, cần phân biệt giữa cartel bình thường và nghiêm trọng để xem xét cho hưởng miễn trừ.

“Không thể miễn trừ “thoải mái” như quy  định của điều 14 dự thảo Luật vì cartel nghiêm trọng là “ung thư” của nền kinh tế thì không thể cho miễn trừ” – bà Loan nêu quan điểm.

Trước lo ngại bỏ lọt các hành vi  cạnh tranh không lành mạnh trong dự thảo Luật, ông Khánh lý giải, dự thảo Luật chỉ quy định một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh chưa được quy định ở luật nào nhưng có thể ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh của Việt Nam.

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác sẽ được giải quyết tại tòa án nên không có sự xung  đột với các luật khác.

Liên quan đến thẩm quyền/khả năng của cơ quan quản lý cạnh tranh xử các vụ ngoài lãnh thổ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ, “cơ quan cạnh tranh Việt Nam không có ý định xử lý tất cả các vụ việc bên ngoài lãnh thổ.

Chỉ xử lý nếu vụ việc “gây tác động đáng kể” đến thị trường Việt Nam trong 2 trường hợp: có hiện diện tại Việt Nam hoặc có cung cấp dịch vụ qua biên giới (nghĩa là tham gia thị trường Việt Nam)”.

Đọc thêm