Gây ô nhiễm môi trường, Cty TNHH Hapaco Hải Âu được “chống lưng“?

(PLO) - Hàng loạt những sai phạm về môi trường mà Cty TNHH Hapaco Hải Âu (số 441 đường Tôn Đức Thắng, xã An Đồng, huyện An Dương) thực hiện nhiều năm qua đã bị phát hiện nhưng doanh nghiệp này này vẫn ung dung hoạt động, không bị xử lý nghiêm.
Gây ô nhiễm môi trường, Cty TNHH Hapaco Hải Âu được “chống lưng“?

Sai phạm “chồng” sai phạm

Thời gian gần đây, người dân ở khu dân cư đại lộ Tôn Đức Thắng liên tục phản ánh về việc Cty TNHH Hapaco Hải Âu  (chuyên sản xuất giấy, tiền vàng) liên tục xả nước thải ra sông Lạch Tray có màu vàng, có khi màu đen, bốc lên mùi hôi tanh nồng nặc. Trong quá trình sản xuất, hệ thống ống nước xả hô của Cty còn xả bọt bẩn trắng xóa, tanh nồng, lan rộng trên cả khúc sông rồi chảy về phía hạ nguồn. 

Theo phản ánh của người dân, toàn bộ nước thải trên của Cty đều chưa được xử lý được xả thẳng ra sông Lạch Tray (đoạn chân cầu An Dương), một trong những con sông chính của TP Hải Phòng, khiến cho nguồn nước ngày càng ô nhiễm trầm trọng.

Trước những phản ánh trên, ngày 7/7/2016, Sở TNMT Thành phố Hải Phòng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của Cty TNHH Hapaco Hải Âu với thành phần gồm đại diện Sở TNMT, Chi cục Bảo vệ môi trường, UBND xã An Đồng, UBND huyện An Dương, cụm dân cư đại lộ Tôn Đức Thắng.

Thông qua việc xem xét, kiểm tra hồ sơ, đoàn kiểm tra kết luận hàng loạt các sai phạm của Công ty này. Cụ thể Công ty Hapaco Hải Âu chưa thực hiện việc đăng ký, kê khai xả nước thải theo yêu cầu của UBND TP Hải Phòng và Sở TNMT, chưa cung cấp được hóa đơn mua hóa chất 6 tháng đầu năm 2016 và giấy phép sử dụng hóa chất. Doanh nghiệp này hiện đang xả thải với quy mô 24.5m3/ngày đêm, thuộc đối tượng phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép xả nước thải vào nguồn nước nhưng không có Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Doanh nghiệp này cũng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ. 

Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Hapaco Hải Âu đang dừng hoạt động hai dây chuyền sản xuất giấy đế, khu vực sản xuất giấy vệ sinh vẫn hoạt động. Một phần nước thải được thu gom vào hệ thống xử lý, một phần nước thải thoát ra hố ga phía trước cổng Công ty.

Công ty Hapaco Hải Âu có đường ống khai thác nước mặt từ sông Lạch Tray nhưng lại không có giải pháp xử lý bùn thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung công đoạn sản xuất giầy đế. Về việc chấp hành nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, Công ty mới nộp được hết quý II năm 2014.

Dây chuyền sản xuất giấy cũ kỹ của Công ty Hapaco (1) và nước thải có màu vàng thải ra sông Lạch Tray (2)
Dây chuyền sản xuất giấy cũ kỹ của Công ty Hapaco (1) và nước thải có màu vàng thải ra sông Lạch Tray (2)

Với hàng loạt sai phạm trên, Đoàn kiểm tra đề nghị Công ty Hapaco Hải Âu phải thu gom triệt để nước thải, xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường do nước thải của công nghệ sản xuất giấy có chứa hóa chất; cần phải bổ sung sơ đồ hệ thống thoát nước mưa, nước thải theo đúng hiện trạng; làm rõ quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải và báo cáo quan trắc môi trường định kỳ 2015, 2016. Đặc biệt, doanh nghiệp này phải lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xả thải vào nguồn nước.

Ai bao che cho sai phạm?

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Cty TNHH Hapaco Hải Âu cho biết, trong quá trình sản xuất giấy, Công ty dùng hóa chất NaOH (sút) để tẩy tre, nứa. Bà Ngọc cũng thừa nhận việc ô nhiễm môi trường như bà con phản ánh là có, tuy nhiên là ở thời điểm những năm 2013, 2014 đồng thời cho rằng việc Công ty xả nước thải ra môi trường chưa xử lý triệt để là có gây độc hại nhưng không đáng kể, chưa đến mức độ chết cá như nhiều nơi khác! 

Không chỉ vậy, bà Ngọc còn quả quyết rằng, việc nước thải có màu đen là do cộng hưởng nguồn thải từ hàng loạt các doanh nghiệp từ khu vực ngã tư Ắc quy, xã An Đồng, huyện An Dương. Còn nước thải từ Cty TNHH Hapaco Hải Âu có màu vàng do sản xuất vàng mã mới là đúng. 

Tại buổi làm việc, bà Ngọc cũng không cung cấp đầy đủ được các giấy tờ liên quan đến việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Công ty. Cụ thể, năm 1997, UBND TP Hải Phòng ban hành văn bản số 1092/QĐ-UB/MTg quyết định về việc phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường của Cty Giấy Hải Phòng (tiền thân của Công ty TNHH Hapaco Hải Âu). Nội dung văn bản ghi rõ, sau khi hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường, Công ty phải báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra và trình UBND TP cấp Giấy phép về môi trường. Tuy nhiên, hiện đại diện doanh nghiệp cho biết, hiện không tìm thấy Giấy phép về môi trường ở đâu.

Việc gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp này không phải ngày là vấn đề mới xảy ra mà tiếp diễn suốt nhiều năm qua. Người dân xã An Đồng, huyện An Dương đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương, báo chí cũng tốn khá nhiều giấy mực để phản ánh. Song, các nỗ lực trên đều không tác động được nhiều đến việc chấp hành pháp luật về môi trường của của Công ty Hapaco Hải Âu. Tại buổi kiểm tra vừa qua, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu nước thải để tiến hành phân tích, làm rõ mức độ ô nhiễm của nước thải do Công ty thải vào môi trường. 

Liên qua đến việc làm rõ những sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về môi trường của Công ty Hapaco Hải Âu, trong quá trình phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tìm hiểu và phản ánh về sự việc, đã có người gọi điện tự nhận là đại biểu Quốc hội và đề nghị phóng viên dừng đăng tải việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty Hapaco, vì Công ty có "quan hệ" với các lãnh đạo Trung ương. Phải chăng, đây là một biểu hiện của tình trạng bao che cho hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong suốt nhiều năm qua? Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin trong các số báo tiếp theo. 

Đọc thêm