Hạ tầng công nghệ số Việt Nam dưới mức trung bình của khu vực

(PLO) - Đó là thông tin do bà Nguyễn Thị Minh Huyền  - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT & KTS) đưa ra trong phần tham luận về thực tế ứng dụng số hóa trong doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại Hội thảo “DN số và đổi mới sáng tạo” diễn ra sáng 26/10, tại Hà Nội.
Ảnh VnEconomy
Ảnh VnEconomy

Theo bà Huyền, bản chất của nền kinh tế số (KTS) là hệ sinh thái bao gồm: hàng hóa, dịch vụ, các nền tảng và giải pháp có sử dụng hoặc dựa trên việc kết nối internet và truy cập trực tuyến.

Nền KTS được cấu thành bởi 4 cấu phần bao gồm: hạ tầng công nghệ số, hạ tầng hỗ trợ, kinh doanh diện tử và thương mại điện tử (TMĐT). Trong cấu phần hạ tầng công nghệ số tại Việt Nam thì hiện Việt Nam đang ở dưới mức trung bình của khu vực. Một số chỉ số ở mức thấp hơn mức trung bình, tuy nhiên lại có những chỉ số mà theo bà Huyền đó là cơ hội như chỉ số người dùng internet chiếm 67% dân số và tỷ lệ số người dùng điện thoại chiếm 153%. 

Đối với cấu phần hạ tầng hỗ trợ (hạ tầng thanh toán, hệ thống logistic, nguồn nhân lực số và môi trường chính sách), hạ tầng thanh toán đang ở mức rất khiêm tốn với tỷ lệ thanh toán điện tử thấp, tỷ lệ thanh toán online chỉ chiếm 10%; theo khảo sát của Cục TMĐT & KTS, chỉ 40% người dân có tài khoản ngân hàng.

Trong hệ thống logistic thì hệ thống hạ tầng, chất lượng, thời gian vận chuyển, thủ tục và chi phí thông qua còn hạn chế. Theo khảo sát của Cục TMĐT & KTS năm 2017, 40% khách hàng mua hàng trực tuyến chưa hài lòng về vận chuyển giao hàng.

Nguồn nhân lực số thì thị trường đang nặng về lao động đơn giản, 40% tay nghề thấp, 50% lao động trung bình.

Ở góc độ môi trường chính sách hỗ trợ, bà Huyền cho rằng, hiện cơ chế quản lý của ta chưa theo kịp sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới. Vì vậy, để tạo môi trường phát triển lành mạnh cho phát triển KTS cần có cơ chế quản lý phù hợp; tăng cường sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các hình thức biến tướng trong phát triển nền KTS.

Dưới góc nhìn về mức độ sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 của các DN công nghiệp. Theo khảo sát của Bộ Công Thương  gần đây, về mức độ sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 của các DN công nghiệp chỉ chiếm 18%. Các DN khối thương mại và dịch vụ có sự chuẩn bị cao hơn.

Trong tổng thể bức tranh nền KTS của Việt Nam, trong 2-3 năm gần đây TMĐT phát triển mạnh nhất với tốc độ phát triển trung bình 25% (trong 5 năm trở lại đây), quy mô thị trường TMĐT năm 2017 là 6,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, có một vấn đề là tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên tổng hàng hóa trong giao dịch TMĐT ở Việt Nam mới chiếm 3%. Lý do mà tại sao tỷ lệ này thấp theo bà Huyền đó là vì niềm tin của người tiêu dùng với mua sắm trực tuyến và việc truyền thông của các DN chưa thực sự được chú trọng và mang lại hiệu quả.

“Nhìn chung nền KTS Việt Nam đang có chuyển biến tích cực đặc biệt là TMĐT, xu hướng chuyển đổi số và số hóa trong DN, song việc chuyển đổi số - ứng dụng các công nghệ số trong hoạt động kinh doanh của DN vẫn còn thấp do rào cản trong văn hóa DN, do thiếu hụt nguồn lực về nhân lực kỹ năng số, do tầm nhìn và chiến lược của người lãnh đạo”- bà Huyền nhận định.

Để giải quyết những vướng mắc trên cho DN trong việc chuyển đổi số, bà Huyền đưa ra ví dụ điển hình từ Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT & KTS) đã tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến quốc gia hàng năm (Online Friday) – đây là giải pháp cho các DN, các DN có thể tham gia vào chuỗi sự kiện để có trải nghiệm về việc tích hợp mua sắm và thanh toán trực tuyến, kích cầu người tiêu dùng.