IPO Hapro: Thương hiệu hay “đất vàng”?

(PLO) - Sở hữu nhiều mảnh “đất vàng” giữa Thủ đô, phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Hapro, ông Vũ Thanh Sơn, điểm mạnh của Hapro là hoạt động xuất nhập khẩu và bán lẻ, còn đất đai chỉ là địa điểm kinh doanh, tuy rất cần thiết nhưng chỉ là một trong những điều kiện để DN phát triển chứ không phải quyết định…
IPO Hapro: Thương hiệu hay “đất vàng”?

IPO khủng…

Vào ngày 30/3 tới đây, tại Sở GDCK Hà Nội ( HNX), Công ty mẹ - TCty thương mại Hà Nội (Hapro) sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Theo Phương án cổ phần hóa (CPH) được phê duyệt hồi tháng 11/2017, Hapro sẽ được CPH theo hình thức là kết hợp bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại DN vừa phát hành thêm để tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ sau CPH là 2.200 tỷ đồng, mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng/cổ phần với tổng số lượng cổ phần là 220.000.000 cổ phần. Trong đó: 75.926.0000 cổ phần (tương đương 34,51% vốn điều lệ) sẽ đấu giá công khai; Số cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên làm việc tại DN là 1.074.000 cổ phần (tương đương 0,49% vốn điều lệ); Số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 143.000.000 cổ phần (tương đương 65% vốn điều lệ).

Với gần 76 triệu cổ phần mang đấu giá, với mức giá khởi điểm bán đấu giá 12.800 đồng/cổ phần, nếu thực hiện thành công, Hapro sẽ thu về tối thiểu 971 tỷ đồng từ thương vụ này. Với giá trị IPO lên tới gần 1.000 tỷ đồng, phiên IPO của Hapro được xem là “bom tấn” năm 2018.

Điều gì đã làm nên sức hút của cổ phần Hapro? 

Thương hiệu mạnh Thành lập năm 2004, hoạt động chính của Hapro là kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng thương mại. Với 14 năm xây dựng và phát triển, hiện tên tuổi của Hapro gắn liền với các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với 66 mã ngành. Trong đó, Hapro hướng đến trọng tâm xuất khẩu một số mặt hàng nông sản thực phẩm và kinh doanh thương mại nội địa gồm: bán lẻ, phát triển chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích và phân phối, bán buôn, sản xuất một số sản phẩm phục vụ xuất khẩu, kinh doanh nội địa...

Tại thị trường nội địa, một số mặt hàng chủ lực của tổng  công ty có sự tăng trưởng tốt như hạt điều, gạo, cà phê, thủ công mỹ nghệ.... Trong đó, hướng đến trọng tâm phát triển hệ thống kinh doanh thương mại bán buôn, bán lẻ tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh, thành với mục tiêu trở thành DN hương mại lớn, có mạng lưới kinh doanh rộng khắp cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại của Hapro mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cũng đã khẳng định: Với chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, hệ thống phân phối phát triển mạnh tại Hà Nội và một số tỉnh, TP, đã làm Hapro trở thành một trong những thương hiệu lớn, được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước ưa chuộng. 

Thế nhưng, nói đến Hapro không chỉ nói đến thương hiệu.

“Đất vàng”…

Không chỉ biết đến với thương hiệp quen thuộc, có lẽ Hapro được các nhà đầu tư săn đón nhờ việc DN này đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội (Tràng Thi, Ngô Thì Nhậm, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Cát Linh, Phạm Ngọc  Thạch...), cùng các thương hiệu tên tuổi như kem Thủy Tạ, vang Thăng Long, gốm Chu Đậu...

DN này hiện đang quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất. Sau CPH, Công ty cổ phần tiếp tục quản lý sử dụng 114 địa điểm, trong đó có 96 cơ sở nhà, đất tại Hà Nội.

Được biết, tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của công ty giảm khoảng 450 tỷ chỉ còn 4.097 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm gần 250 tỷ xuống 2.122 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.975 tỷ đồng.

Theo LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Cty Luật Basico, trong trường hợp của Hapro, DN này được định giá hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng nhà đầu tư sẽ nhìn thấy những lợi thế có được từ những mảnh “đất vàng” mà DN này đang nắm thì nhà đầu tư có thể trả cao hơn rất nhiều để mua được.

Không phủ nhận những lợi thế của các địa điểm kinh doanh, song theo Tổng Giám đốc Hapro, ông Vũ Thanh Sơn, địa điểm là cần thiết cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là với các đơn vị có hệ thống bán lẻ và phân phối nội địa như Hapro, nhưng địa điểm chỉ là một trong những điều kiện để DN phát triển chứ không phải là yếu tố quyết định.

Được biết, trong chiến lược phát triển của mình, Hapro đặc biệt quan tâm tạo kênh hàng hóa đa chiều gắn với thương hiệu nhằm phục vụ tối đa cho nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước, tiêu biểu với các mặt hàng như: hoa quả tươi, gạo, nông - lâm sản, thủ công mỹ nghệ, công nghệ phẩm, thủy hải sản chế biến, công nghiệp tiêu dùng. TCty cũng đẩy mạnh phát triển các cơ sở vệ tinh cùng các nguồn hàng trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Hapro đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu của TCty, đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực. Các thị trường trọng điểm mà Hapro đang nhắm đến hiện nay như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. 

Đọc thêm