Làm gì để thu hút vốn FDI hiệu quả?

(PLVN) - Trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu có khả  năng suy giảm tới 40% trong năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, thì kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan. 
Doanh nghiệp Hàn Quốc là một trong số những nhà đầu tư có vốn FDI vào Việt Nam lớn nhất hiện nay.
Doanh nghiệp Hàn Quốc là một trong số những nhà đầu tư có vốn FDI vào Việt Nam lớn nhất hiện nay.

Tín hiệu tích cực

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN), tuy tổng vốn đăng ký của nhà ĐTNN trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% cùng kỳ năm 2019, nhưng tổng vốn đăng ký mới đạt 8,43 tỷ USD (tăng 13,8% so với cùng kỳ 2019) và vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,72 tỷ USD. 

Theo đánh giá của Cục này, đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Cụ thể, vốn đầu tư trong tháng 6/2020 đã tăng trở lại sau khi giảm trong tháng 5/2020, đồng thời tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Quy mô dự án đầu tư mới cũng tăng lên đáng kể, quy mô vốn bình quân trong tháng 6 đạt 4,8 triệu USD/dự án, cao hơn 67,2% so tháng 5/2020. 

Đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, trong đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Vốn thực hiện của các dự án ĐTNN tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm, chỉ bằng 95,1% so với cùng kỳ, song mức độ giảm đang cải thiện dần so với các tháng trước đó.

Đặc biệt, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án ĐTNN vẫn còn bị ảnh hưởng. Trong 6 tháng đầu năm và đặc biệt trong tháng 6, hàng nghìn chuyên gia của Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản tiếp tục được hỗ trợ nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì và mở rộng sản xuất.

Mặc dù giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tính chung trong 6 tháng đầu năm 2020, khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu 14,2 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 13,4 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu gần 10,2 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu hơn 4 tỷ USD.

Cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế

Theo nhận định của Bộ KH&ĐT, do tác động kép của xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc và đại dịch Covid-19, các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng tái cơ cấu và tái định vị các cơ sở sản xuất. Đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam để đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các nước đối tác lớn, các Tập đoàn đa quốc gia và nắm bắt cơ hội để thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài  phù hợp với nhu cầu của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngành KH&ĐT mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, đang có sự chuyển dịch đầu tư rất lớn. “Việc này không chỉ xuất phát từ khi dịch Covid-19 bùng phát mà là yêu cầu tự thân của môi trường kinh doanh. Việt Nam đã có nhiều năm tạo ra các điều kiện thuận lợi, lợi thế so sánh nên sẽ thu hút được dòng vốn đầu tư”- lời ông Dũng.

Bộ trưởng KH&ĐT cũng cho rằng, dịch Covid-19 chỉ là “chất xúc tác” để đẩy nhanh quá trình dịch chuyển đầu tư. “Tuy nhiên, không phải cứ “ngồi yên thì dòng vốn đầu tư sẽ tự đến”- ông Dũng nói, đồng thời lưu ý tới đây, các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thu hút ĐTNN, cải thiện thủ tục đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư... nhằm nắm bắt cơ hội đón đầu làn sóng chuyển dịch FDI...

Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang xem xét những thị trường cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Mexico để đặt nhà máy. “Nếu không chuẩn bị tốt, người ta chỉ đến tìm hiểu, chứ chưa chắc đã quyết định đầu tư”- Bộ trưởng Dũng nói.

Theo đó, để thu hút dòng dịch chuyển vốn đầu tư, các bộ ngành, địa phương phải xem xét chuẩn bị nhiều yếu tố. Đó là cơ sở hạ tầng, đất đai, kết nối, nguồn nhân lực… 

Vì thế, cấp trung ương đưa ra định hướng thu hút vốn FDI, còn các địa phương phải tự đưa ra tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư vào ngành gì, ở đâu, với mục tiêu là tạo ra giá trị gia tăng lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường, kết nối được với doanh nghiệp trong nước… “Phải làm sao tận dụng được cơ hội nghìn năm với Việt Nam, qua đó nhanh chóng tận dụng để cấu trúc nền kinh tế, phát triển trong nước…”.

FDI tăng mạnh trong tháng 7/2020

“Cục ĐTNN cho biết, vốn FDI trong tháng 7/2020 tăng mạnh so với nhiều tháng trước. Một số dự án tiêu biểu trong tháng 7/2020 như: Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây (nhà đầu tư Hàn Quốc) điều chỉnh tăng thêm 774 triệu USD; Dự án Mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện từ INTC giai đoạn II của Công ty TNHH INTC (nhà đầu tư Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư là 150 triệu USD tại Phú Thọ; Dự án Công ty TNHH Bao bì nước giải khát CROWN Vũng Tàu (nhà đầu tư Singapore) với tổng vốn đầu tư là 130 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Hyosung Financial System Vina (nhà đầu tư Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD tại Bắc Ninh...”.

Đọc thêm